Phát triển thị trường nông sản ở Yên Bái: Đừng bỏ “sân nhà”!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/2/2020 | 7:52:45 AM

YênBái - Hầu hết doanh nghiệp chưa chú tâm thị trường nội địa và một nghịch lý là hàng ngày có tới hàng ngàn tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành khác mang đến tiêu thụ tại địa bàn Yên Bái.

Khoai tím, cam sành Lục Yên bán tại Siêu thị Big C Thăng Long.
Khoai tím, cam sành Lục Yên bán tại Siêu thị Big C Thăng Long.

Vài năm gần đây, nhất là sau thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), sản xuất nông nghiệp Yên Bái có bước phát triển mạnh. Đặc biệt, đã và đang hình thành, phát triển nhiều vùng hàng hóa với quy mô, khối lượng lớn và sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tỉnh Yên Bái hiện có vùng lúa hàng hóa chất lượng cao rộng 3.000 ha, ngô 15.000 ha, trồng dâu nuôi tằm tập trung trên 450 ha với sản lượng kén tằm trên 400 tấn/năm, vùng cây ăn quả trên 8.000 ha, vùng chè 8.000 ha (chè đặc sản shan tuyết vùng cao trên 1.700 ha), tre măng Bát độ trên 4.000 ha, quế gần 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, trâu, bò gần 130.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản trên 22.300 ha và hơn 1.500 lồng cá với sản lượng trên 8.500 tấn… 

Bằng nỗ lực cao độ, tỉnh đã xây dựng và phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Riêng năm 2019, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt trên 57 triệu USD, tương đương 1.300 tỷ đồng - một con số kỷ lục từ trước đến nay. 

Cùng đó, toàn tỉnh có 29 dự án liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với vùng nguyên liệu. thực hiện Đề án chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Đã có 8 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên như: miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái; chè Shan tuyết Suối Giàng (Văn Chấn); gạo Séng cù Mường Lò (Văn Chấn); chè Bát tiên (Trấn Yên); bưởi Đại Minh (Yên Bình), quế điếu thuốc (Trấn Yên)... 

Năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng, phát triển 50 sản phẩm OCOP, tập trung phát triển các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm đặc sản của địa phương bao gồm các sản phẩm thuộc nhóm (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, đồ lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng). Ưu tiên, lựa chọn những sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương được thị trường chấp nhận để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Việc sản xuất ra nhiều sản phẩm nông sản là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nông dân Yên Bái đã, đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hàng hóa nông sản nói riêng thì việc tìm đầu ra tiêu thụ ổn định là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. 

Xác định mục tiêu đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thương mại, kết nối cung cầu khá hiệu quả. Thực tế, có khá nhiều nông sản của tỉnh có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong, ngoài nước như: quế, tinh bột sắn, chè, sản phẩm từ gỗ… 

Một số mặt hàng nông sản đã vào được các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị lớn như: quýt sen, cam lòng vàng Văn Chấn; cam sành Lục Yên của HTX Cam sành Lục Yên; gạo nếp Tú Lệ của HTX Nông nghiệp Tú Lệ; thịt sấy (3 sản phẩm - trâu sấy, thịt lợn sấy, lạp xường) của Cơ sở sản xuất tư nhân Trương Thị Hải Yến - Nghĩa Lộ… vào hệ thống siêu thị Big C Thăng Long, Hapro… 

Đó là những tín hiệu vui. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chưa chú tâm thị trường nội xã, nội huyện, nội tỉnh và mải mê tìm kiếm người tiêu dùng ở đâu đó, nhưng thị trường nội tỉnh với trên 821.000 người đầy tiềm năng thì gần như bỏ ngỏ. 

Bên cạnh đó, có một nghịch lý là hàng ngày có tới hàng ngàn tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành khác mang đến tiêu thụ tại Yên Bái từ trung tâm tỉnh lỵ đến nông thôn cả các xã vùng cao, vùng sâu. 

Các mặt hàng từ rau, củ, quả như: su hào, bắp cải, rau cần… đến các loại hoa quả như cam, quýt, mít, dưa, thanh long… những loại quả mà nông dân Yên Bái đã và đang sản xuất hàng ngàn tấn mỗi năm nhưng lại đang phải đem đi tiêu thụ ở những địa phương khác. 

Yên Bái mỗi năm sản xuất trên 22.000 tấn chè, nhưng các sản phẩm chè xanh từ Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên, chè Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đến chè Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ… đang bày bán và chiếm lĩnh thị trường Yên Bái. Hay như tỉnh có vùng cam sành Lục Yên, cam sành Văn Chấn với sản lượng trên 20.000 tấn, nhưng trên thị trường toàn tỉnh tràn ngập cam Tuyên Quang, Hà Giang, cam Hòa Bình, cam Phú Thọ, cam Vinh… 

Sản xuất hàng hóa là phải hướng tới và tìm kiếm thị trường rộng lớn; tuy nhiên, với các mô hình sản xuất và hàng hóa nông sản thông thường của nông dân Yên Bái cũng nên phát triển thị trường nội tiêu. Dù khá nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản có tiếng như gạo nếp Tú Lệ, chè shan tuyết Suối Giàng, cam sành Lục Yên… nhưng người dân Yên Bái cũng không biết mua những sản phẩm đặc sản này ở đâu!

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020 sẽ phấn đấu đánh giá và gắn sao cho trên 50 sản phẩm. 

Việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa nông sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường là điều không khó với nông dân Yên Bái; tuy nhiên, cần phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường nội tiêu. 

Cùng đó, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất là nhiệm vụ, là chiến lược của các ngành, các cấp và phải được hỗ trợ bởi các nhà khoa học, các doanh nghiệp chứ không thể nhìn cảm tính, mò mẫm từ nông dân. 

Thanh Phúc

Tags Yên Bái thị trường nông sản OCOP nội tiêu ngô kén tằm bưởi Đại Minh sơn tra quế cá lồng sân nhà

Các tin khác
Tỉnh Điện Biên đang tiến hành cấp hơn 21.600 lít hóa chất cho 10 huyện, thị xã, thành phố để tiến hành phun tiêu độc khử trùng.

UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành công điện yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch cúm A xảy ra trên gia cầm.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh thường xuyên kiểm tra rừng.

Năm 2019, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 147 vụ vi phạm, giảm 39 vụ so với năm trước. Tang vật, phương tiện bị tịch thu gồm: 54,926 m khối gỗ các loại, 1.095 kg nhựa thông, 5,4 kg động vật rừng, tịch thu 2 xe ô tô, 26 xe mô tô...

Đến ngày 25/2, toàn huyện đã gieo cấy hơn 2.250 ha lúa xuân đảm bảo theo kế hoạch, lúa đã và đang sinh trưởng phát triển tốt.

Trong năm 2019, thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, tuổi trẻ Văn Yên đã thành lập mới 2 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục