Là sản phẩm du lịch khai thác đầu tiên ở Trạm Tấu, du lịch mạo hiểm leo núi tại đỉnh Tà Chì Nhù, xã Xà Hồ và Tà Xùa, xã Bản Công đã trở thành một trải nghiệm lý thú của giới trẻ. Để sản phẩm này trở thành một điểm đến trên hành trình du lịch, huyện Trạm Tấu đã quan tâm tu sửa xây dựng cơ sở vật chất phù hợp và hình thành các dịch vụ kèm theo. Năm 2019, huyện đã giao UBND xã Bản Công làm chủ đầu tư thi công phần việc với tổng kinh phí 300 triệu đồng để bổ sung các hạng mục đảm bảo an toàn cho người leo núi với chiều dài 17,2 km.
Ông Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Bản Công cho biết: "Xã đã và đang sửa đường lên đỉnh núi được mọi người thường gọi là "lưng khủng long”, cắm 5 biển chỉ dẫn, 3 biển báo nguy hiểm; cắm cột mốc độ cao trên đỉnh Tà Xùa và sống lưng khủng long; bố trí địa điểm có diện tích đủ lớn để du khách nghỉ ngơi và tổ chức hoạt động cắm trại. Với việc phát triển hoạt động du lịch leo núi trải nghiệm đã đưa đến cho xã 2.000 lượt khách trong năm, góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.
Tại 2 xã còn xây dựng lán trại nghỉ tạm dọc tuyến đường lên đỉnh núi, hình thành các đội dẫn đường, có người mang vác đồ cho khách, không những hỗ trợ khách du lịch mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho lao động địa phương.
Ra mắt khách du lịch từ năm 2017 bằng những hình ảnh hấp dẫn, phủ sóng rộng khắp trên các trang thông tin, mạng xã hội, Khu Du lịch sinh thái Suối khoáng nóng Trạm Tấu tại khu 3, thị trấn Trạm Tấu đã thu hút cho huyện gần 16.500 lượt khách vào năm 2019.
Tháng 7/2019, Hợp tác xã (HTX) Du lịch Cường Hải được thành lập gồm 7 thành viên kinh doanh các dịch vụ lưu trú với sức chứa trên 100 du khách ở phòng nghỉ cộng đồng và 12 phòng gia đình. Tới đây, HTX sẽ được hỗ trợ xây dựng 4 phòng nghỉ với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/phòng, hỗ trợ 60 triệu đồng cho trang thiết bị thu gom rác thải và xây dựng một khu vệ sinh công cộng với mức hỗ trợ 200 triệu đồng.
Anh Vũ Mạnh Cường - Giám đốc HTX cho biết: "Mục đích của HTX là kết nối các hộ để hình thành một chuỗi các hoạt động trải nghiệm chuyên nghiệp đầy đủ phục vụ khách du lịch: chế biến món ăn dân tộc, nấu rượu, quà lưu niệm, văn nghệ bản sắc… để tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Mới thành lập, song dịp tết Nguyên đán 2020, các phòng của chúng tôi luôn trong tình trạng kín khách. Các du khách phản hồi tốt, hài lòng với các dịch vụ”.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện tiếp tục tiến hành khảo sát, đánh giá, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương theo từng năm. Với hình thức du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ, huyện hỗ trợ để các hộ tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng; cử 122 học viên tham dự các lớp kỹ năng làm du lịch ở tỉnh; rà soát thành lập 6 đội văn nghệ dân gian phục vụ du khách.
Đối với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, huyện đã lựa chọn cụ thể các hộ ở cơ sở, tập trung sản xuất sản phẩm theo hướng: chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái, Mông; sản xuất với số lượng lớn các sản phẩm đồ lưu niệm, đặc sản địa phương: trang phục dân tộc, nhạc cụ dân tộc, khoai sọ, gạo nương, măng ớt, chè shan Tà Xùa… Huyện cũng tích cực vận động nhân dân thường xuyên mang các sản phẩm nông nghiệp của gia đình bán tại chợ huyện vào các ngày trong tuần.
Thời gian tới, để Trạm Tấu trở thành một điểm đến hấp dẫn của miền Tây Yên Bái, huyện sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù theo hướng chuyên nghiệp, gắn với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng với quy mô hiện đại hơn, thêm dịch vụ mát-xa chữa bệnh, dịch vụ làm đẹp đáp ứng nhu cầu của thị trường; hình thành sản phẩm du lịch tại các địa điểm có tiềm năng: đồi chè Shan tuyết cổ thụ Phình Hồ, thác Háng Đề Chơ tại xã Làng Nhì… phấn đấu năm 2020 đón 30.000 lượt khách, doanh thu đạt 18 tỷ đồng.
Hoài Anh