Thời tiết nồm ẩm hiện nay là điều kiện để một số bệnh, dịch gia súc, gia cầm phát triển. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường và giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
Trang trại chăn nuôi gà của anh Phạm Văn Tấn ở tổ dân phố Cường Bắc, phường Nam Cường có quy mô trên 10.000 con; do đó, khâu đầu tiên được anh quan tâm là phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, anh Tấn áp dụng theo hướng an toàn sinh học từ khâu nhập con giống rõ nguồn gốc, chuồng trại, thức ăn, chăm sóc đúng quy trình theo độ tuổi của đàn gà, tiêm vắc - xin phòng bệnh đầy đủ.
Trong những tháng đầu, gà được cho ăn cám tổng hợp; sau đó, cho ăn ngô, thóc và thả vườn. Nhờ chăn nuôi đúng quy trình, nên không phát sinh dịch bệnh và đàn gà phát triển tốt.
Anh Tấn cho biết: "Trước hết, khi đưa gà giống vào nuôi, chúng tôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, quét vôi, phun khử trùng, rải trấu rồi mới úm gà. Đồng thời, cán bộ thú y hướng dẫn cứ 5 ngày tôi nhỏ vắc - xin một lần cho gà, tiêm vắc - xin định kỳ và phun khử trùng thường xuyên theo chu kỳ”.
Trước đây, gia đình ông Bùi Duy Hiển, thôn Yên Minh, xã Minh Bảo phát triển kinh tế bằng nghề nuôi lợn, nhưng do giá cả bấp bênh cộng với dịch bệnh phức tạp nên ông chuyển sang nuôi gà được hơn một năm nay.
Để chăn nuôi hiệu quả, ông mày mò kỹ thuật chăn nuôi gà, các loại bệnh gà hay mắc phải và cách phòng tránh. Khi bắt đầu thực hiện mô hình 1.000 con gà/lứa, ông Hiển được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn của xã nên đã chăn nuôi đúng quy trình, thường xuyên khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần và 10 ngày lại rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi...
Đặc biệt, những ngày này khi dịch cúm gia cầm đang bùng phát thì ông Hiển lại càng quan tâm chăm sóc đàn gà nhiều hơn bằng cách hàng tuần phun khử trùng, tiêm vắc - xin đầy đủ nên đã phát huy tốt hiệu quả chăn nuôi.
Tính đến cuối năm 2019, tổng đàn gia súc chính trên địa bàn thành phố đạt gần 27.000 con, gia cầm trên 246.000 con.
Để chủ động ngăn chặn các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là cúm gia cầm, lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn; bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, dịch tả, viêm phổi lợn, thành phố đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn cùng UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền về nguy cơ phát sinh dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng chống, tiêm vắc - xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm; trong đó, đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; các hộ chăn nuôi gia trại nên thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi và thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Cùng đó, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm, vệ sinh giết mổ, vệ sinh thú y, gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường cũng được tăng cường nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển; đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bà Đỗ Thị Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố trao đổi: "Chúng tôi đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, đã phun tiêu độc khử trùng trước và sau tết tại tất cả các chợ, các điểm giết mổ trên địa bàn. Tăng cường hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh cúm gia cầm cho người chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, phường thành lập các tổ kiểm tra và rà soát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn và các hộ chăn nuôi lớn thực hiện ký cam kết về giết mổ gia súc, gia cầm, chăn nuôi đảm bảo an toàn. Cùng đó, khuyến cáo việc muốn phòng chống dịch bệnh hữu hiệu nhất trên đàn vật nuôi thì người dân phải là nhân tố chủ động thực hiện trước tiên…”.
Việt Hà - Thanh Nghị