Bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: "Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Hội luôn chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh Phong trào "Nông dân thi đua SXKDG”; mở gần 200 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; tổ chức tham quan, học tập các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả về cây, con mới; hỗ trợ vật liệu sản xuất và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân… Qua đó, các hội viên đã áp dụng vào phát triển các mô hình như trồng cam sành ở xã Khánh Hòa trồng chè ở xã Động Quan; nuôi gà thương phẩm ở xã Phúc Lợi, nuôi bò sinh sản và thương phẩm xã Yên Thắng… mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng/năm”.
Hội đã bám sát vào những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động. Hàng năm, tổng diện tích cây lương thực có hạt gieo trồng trên 6.900 ha, trong đó: lúa 3.563 ha, ngô 3.300 ha. Ngoài ra, hội viên còn trồng hàng nghìn héc ta các loại rau màu, lạc, khoai lang, sắn…
Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 390 triệu đồng, Hội đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ, như: hỗ trợ 3 hộ trồng táo đại tại xã Phúc Lợi, kinh phí 60 triệu đồng; hỗ trợ 3 hộ trồng bưởi da xanh ở xã An Phú, kinh phí 60 triệu đồng; 5 hộ nuôi bò thương phẩm ở xã Yên Thắng, kinh phí 100 triệu đồng… Các mô hình được đầu tư đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đây sẽ là những mô hình điểm để nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Cùng với đó, các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông qua 182 tổ tín chấp vay vốn, tạo điều kiện cho 3.753 hộ vay vốn với số tiền trên 256 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 94 tổ vay vốn, với 3.372 hội viên vay vốn trên 122 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Do tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay nên đã hạn chế tình trạng nợ quá hạn. Hội cũng phối hợp với Trường Trung cấp Nghề của huyện tổ chức 16 lớp học nghề cho gần 500 hội viên, nhờ đó mà đời sống hội viên ngày càng được nâng lên, hàng năm, có trên 300 hộ hội viên thoát nghèo bền vững. Năm 2019 vừa qua, Hội tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên đăng ký thi đua SXKDG với 12.300 hội viên tham gia.
Kết quả bình xét, toàn huyện có 9.014 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm trở lên như: hội viên Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Quốc Khánh, xã An Lạc; Hoàng Trọng Sắc, xã Mường Lai; Đặng Văn Đính, xã Phúc Lợi… Cùng với thực hiện tốt Phong trào SXKDG, hàng năm, Hội vận động hội viên tích cực tham gia ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo”, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”; tham gia trên 25.000 ngày công tu sửa, nạo vét 464 km kênh mương nội đồng; sửa chữa nâng cấp 231 km đường giao thông liên thôn, xã; sửa chữa, làm mới 20 nhà văn hóa thôn…
Hội còn duy trì thực hiện tốt 62 mô hình dân vận khéo, 54 mô hình điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua kết quả bình xét, hiện nay có 13.968 hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 77,2%. Nhiều phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở đã tạo không khí cho thi đua SXKDG như: bóng chuyền hơi, bóng đá, cầu lông, kéo co… góp phần nâng cao đời sống tinh thần khu vực nông thôn.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua, tạo động lực mới cùng các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thái Hưng