Phát triển công nghiệp chế biến được coi là chìa khóa nâng cao chất lượng nông – lâm sản. Nếu không quan tâm đến lĩnh vực này, ngành nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững, nông dân vẫn luẩn quẩn ở câu chuyện "mất mùa được giá” khi vòng đời lưu hành của sản phẩm quá ngắn, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lớn.
Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến đã góp phần không nhỏ trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh. Lĩnh vực chế biến góp phần thu mua hết sản phẩm nông sản cho người sản xuất, tạo đà cho sản xuất phát triển và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tính riêng năm 2019, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt 57 triệu USD, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng chủ yếu từ quế, chè, sắn, các sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, ngành chế biến nông sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Đặc biệt, còn thiếu các doanh nghiệp "đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học - công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản. Hiện nay, công nghệ chế biến mới có được trong một số lĩnh vực như chế biến chè, gỗ rừng trồng, sản phẩm quế, măng tre Bát độ, tinh bột sắn nhưng công nghệ chế biến và thiết bị còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Điều này hạn chế việc tăng chuỗi giá trị sản xuất và bó hẹp thị trường tiêu thụ trong tương lai.
Đơn cử như ngành công nghiệp chế biến chè. Hiện, toàn tỉnh có 53 cơ sở chế biến chè, trong đó có 43 đơn vị chế biến chè đen xuất khẩu, 8 đơn vị chế biến chè xanh chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, 2 đơn vị chế biến chè ô long, chè vàng.
Trong 43 cơ sở chế biến chè đen chỉ có 12 nhà máy chế biến sản phẩm hoàn thành phẩm đủ xuất khẩu còn lại ở hình thức sơ chế với sản phẩm đạt từ 12.000 - 13.000 tấn/năm. Sản phẩm xuất khẩu ủy thác qua các công ty thương mại. Công nghệ chế biến lạc hậu khiến giá trị ngành chè thấp, người làm chè không sống được với chè. Dẫn đến diện tích chè liên tục giảm và đến nay chỉ còn khoảng 8.000 ha. Bên cạnh cây chè thì chế biến gỗ rừng trồng cũng được coi là một lợi thế của tỉnh Yên Bái.
Theo thống kê, diện tích đất lâm nghiệp có rừng của tỉnh là 464.892 ha, hàng năm, toàn tỉnh khai thác và trồng mới khoảng 15.000 -16.000 ha. Tuy nhiên, công nghệ chế biến gỗ chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện nay, sản phẩm chủ yếu gồm: gỗ bóc, gỗ ép thanh, gỗ gia dụng, gỗ xây dựng, đũa xuất khẩu và giấy đế, nhưng công nghệ chế biến chủ yếu là sử dụng thiết bị và công nghệ chế biến của Trung Quốc nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao.
Thời gian qua, đã có một số đơn vị đầu tư các thiết bị và công nghệ chế biến hiện đại Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa, Công ty cổ phần Yên Thành... nhưng sản lượng sản phẩm còn thấp do hạn chế về nguồn nguyên liệu chất lượng cao.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp có dư địa tốt tuy nhiên chưa được đầu tư sơ chế như: sản phẩm cây ăn quả, giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản… do đó, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Một số đơn vị có thiết bị và công nghệ chế biến hiện đại như chế biến chè ô long, gỗ ghép thanh, trà thảo mộc (trà quế, trà sơn tra) nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ.
Phát triển công nghiệp chế biến được coi là chìa khoá nâng cao chất lượng nông - lâm sản. Nếu không quan tâm đến lĩnh vực này, ngành nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững, nông dân vẫn luẩn quẩn ở câu chuyện "mất mùa được giá” khi vòng đời lưu hành của sản phẩm quá ngắn, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lớn.
Do đó, để nâng cao chất lượng chế biến trong thời gian tới, tỉnh tập trung làm tốt công tác quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cung cấp đủ nguyên liệu cho các đơn vị chế biến; tiếp tục nghiên cứu bổ sung các chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Trong đó, cần lựa chọn các doanh nghiệp "đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học-9 công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị; nghiên cứu ứng dụng và xây dựng các mô hình mẫu về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất để hình thành các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao như sản xuất trong nhà màn, nhà kính, sản xuất thủy canh, trồng cây trên giá thể ứng dụng công nghệ điều khiển tự động trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tín dụng phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm sản, bao gồm: tiếp tục triển khai các chính sách cho vay theo các chương trình hỗ trợ sản xuất như: nông nghiệp công nghệ cao, giảm tổn thất sau thu hoạch, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ và máy móc trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tận dụng phế phụ phẩm, bảo vệ môi trường. Đi liền với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường.
Văn Thông