Yên Bái phát triển công nghiệp và dịch vụ theo hướng bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/3/2020 | 8:05:31 AM

YênBái - Hướng xác điịnh là chú trọng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn. Năm 2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7,03%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,4%; khu vực dịch vụ tăng 6,18%...

Khách nước ngoài tìm hiểu các sản phẩm quế của tỉnh Yên Bái.
Khách nước ngoài tìm hiểu các sản phẩm quế của tỉnh Yên Bái.

Với việc cơ cấu lại nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm là cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ được đẩy mạnh, kinh tế của tỉnh Yên Bái duy trì được mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, từng bước tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Chú trọng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ

Năm 2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 7,03%, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,4%; khu vực dịch vụ tăng 6,18%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,74%. Cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,63%; dịch vụ chiếm 47,15%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 21,42%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,79%. 

Sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh hàng năm duy trì được mức tăng ổn định: năm 2016 đạt 7.869 tỷ đồng; năm 2019, giá trị SXCN ước đạt 12.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, tăng 24,1% so với năm 2018. Chỉ số SXCN (IIP) tháng 9 năm 2019 tăng 3,1% so với tháng cùng kỳ năm trước; chỉ số SXCN 9 tháng năm 2019 tăng 10,1%. 

Một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao như: quặng sắt tăng 18,6%; đá block tăng 24,6%; tinh bột sắn tăng 1,39 lần; sản xuất chè đen tăng 14,9%; gỗ dán tăng 1,07 lần; sơn, véc ni tăng 1,91 lần; xi măng tăng 20,1%; bột đá tăng 36,8%; sản xuất cấu kiện lắp sẵn bằng kim loại tăng 1,57 lần; điện thương phẩm tăng 14,3%; nước sinh hoạt tăng 6,0%. 

Một số sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ như: quần áo may sẵn giảm 62,4%; gỗ xẻ giảm 61,5%; giấy vàng mã giảm 13,7%; đá xẻ giảm 8,3%; điện sản xuất giảm 6,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 đạt 12.341 tỷ đồng; năm 2019 tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2018; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2016 đạt 76 triệu USD; năm 2019 đạt 170 triệu USD, tăng 30,3% so với năm 2018. 

Đến nay, tỉnh đã thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó, có một số dự án lớn đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư như: Dự án đầu tư Công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà, thành viên Tập đoàn AlphaNam, tổng vốn đầu tư 4.980 tỷ đồng.

Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội của Công ty cổ phần Phát triển du lịch và Nghỉ dưỡng quốc tế Vân Hội, thuộc Tập đoàn TH, tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng; Dự án Khu sản xuất, chế biến lâm sản tập trung của Công ty cổ phần Tập đoàn Cường Thịnh Thi, tổng vốn đầu tư 1.410 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa của Công ty cổ phần công nghiệp EP, tại Khu công nghiệp phía Nam; Dự án Nhà máy sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa EUROSTARK của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhựa gỗ Châu Âu, tại Khu công nghiệp phía Nam... 

Ngoài ra, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát để đề xuất thực hiện dự án của các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn như: Dự án sản xuất pin mặt trời và dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển NEVN - Hà Nội; Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Bảo Hưng; Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Xi măng miền Bắc; các dự án khu đô thị của Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam; Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, thuộc tập đoàn APEC; Công ty cổ phần Toàn Cầu TMS; Công ty cổ phần Eurowindow Holding; Đầu tư xây dựng tại khu vực Hồ Thác Bà của Công ty cổ phần Dịch vụ cáp treo Fansipan Sapa, thuộc Tập đoàn Sungroup; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Bảo Hưng và Cụm công nghiệp Minh Quân của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng công nghiệp Bảo Hưng; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Minh Quân của Công ty cổ phần Đồng Tâm Yên Bái. 

Năm 2019, tỉnh đã thu hút, quyết định chủ trương đầu tư mới cho 54 dự án, với tổng vốn đăng ký 16.786 tỷ đồng, tăng 19 dự án, tăng 15.848 tỷ đồng so với năm 2018. Đồng thời, đã thiết lập quan hệ ngoại giao, ký kết các biên bản ghi nhớ cấp tỉnh, cấp địa phương và bước đầu triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, hợp tác với nhiều đối tác mới, có tiềm năng như: Liên đoàn Chế tạo Singapore (Singapore), thành phố Ngọc Khê (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), thành phố Mimasaka (tỉnh Okayama, Nhật Bản)...

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn 

Bám sát chủ đề của năm là "Tiếp tục đẩy mạnh ba đột phá chiến lược; tích cực thu hút đầu tư; thúc đẩy khởi nghiệp; thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững... ",  mục tiêu xác định là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tăng trưởng xanh và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Tỉnh định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, ưu tiên sản xuất và chế biến các sản phẩm chủ lực; phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nguyên liệu; sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng cao; phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn mà trọng tâm là du lịch văn hóa cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao vui chơi giải trí và du lịch khám phá trải nghiệm...; dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics; dịch vụ tài chính, ngân hàng; dịch vụ viễn thông, giáo dục, y tế, tư vấn mua bán, kinh doanh bất động sản; huy động các nguồn lực cho xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng các ngành dịch vụ mũi nhọn; tập trung huy động đầu tư cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm vùng du lịch hồ Thác Bà và dọc sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và phía Nam huyện Trấn Yên; vùng du lịch miền Tây; vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên; xây dựng cảng cạn làm các dịch vụ kho bãi trung chuyển, vận tải, giao nhận xuất nhập khẩu hàng hóa và các thủ tục thông quan; xây dựng trung tâm thương mại quy mô vùng ở thành phố Yên Bái. 

Xác định công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm là một trong những lĩnh vực sản xuất chủ lực trong phát triển công nghiệp của tỉnh, chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. 

Một số sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền thiết bị công nghệ khá hiện đại, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường như: chế biến chè xanh, đen; chế biến gỗ rừng trồng chủ yếu là gỗ xẻ thanh, ván ép, gỗ ghép thanh; chế biến tinh bột sắn; chế biến tinh dầu quế; chế biến măng... 

Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm nông lâm sản thực phẩm chế biến vẫn ở dạng thô, sơ chế, chất lượng, giá trị gia tăng và giá bán thấp. 

Do đó, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi để tăng cường sự gắn kết hoạt động của doanh nghiệp với nông dân. 

Quan điểm và giải pháp là tập trung vào những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng mạnh năng suất nội bộ ngành, tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Chú trọng công nghiệp chế biến sâu, tập trung vào các lĩnh vực chế biến nông lâm, khoáng sản, vật liệu xây dựng... nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh. 

Củng cố và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phù hợp với xu hướng chuyển biến nhanh của các hoạt động thương mại về quy mô, phạm vi hoạt động và phương thức kinh doanh truyền thống sang các phương thức kinh doanh hiện đại. 

Cùng đó, phát huy tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế, tranh thủ có hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài để tiếp tục khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh thương mại, đặc biệt các nhà đầu tư lớn. 

Phát triển hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, thực hiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hệ thống trong nước và quốc tế. Nhiệm vụ trước mắt, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Hưng và Cụm công nghiệp Minh Quân; các dự án điện năng lượng mặt trời trên lòng hồ Thác Bà; các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư; đề án hỗ trợ sử dụng điện năng lượng mặt trời theo công nghệ Nhật Bản đối với những hộ dân ở các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh. 

Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng viễn thông với công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao. Hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Yên Bái. Tập trung khai thác điều kiện giao thông kết nối trong, ngoài tỉnh, nhất là tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hệ thống giao thông vận tải đa phương thức, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ vận tải,  logistics phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội, nhất là giao thương, đi lại, du lịch đối với tỉnh và liên vùng; từng bước xây dựng Yên Bái trở thành điểm đến thường xuyên của khách du lịch trong nước và quốc tế trên tuyến du lịch theo hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và trong vùng trung du và miền núi phía Bắc...

Cơ cấu lại công nghiệp theo hướng nhanh, bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, 2 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) của tỉnh ước đạt 1.701 tỷ đồng, bằng 13% so với kế hoạch, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 2 của tỉnh tăng 10,1% so với tháng 1 và tăng 7,2% so với cùng kỳ. 

Tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án, tổng vốn đăng ký 88,7 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận cho 29 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 232 tỷ đồng. Đối mặt với một năm dịch bệnh và dự báo nhiều khó khăn, trên quan điểm không thay đổi mục tiêu phấn đấu kế hoạch năm 2020, tỉnh phấn đấu giá trị SXCN năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 13.000 tỷ đồng. 

Minh Thúy

Tags Yên Bái phát triển công nghiệp dịch vụ theo hướng bền vững

Các tin khác
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại, đề nghị rà soát, báo cáo danh sách doanh nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn quản lý.

Giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới vài triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới có thời điểm lao dốc gần 100 USD/ounce, giảm sâu dưới ngưỡng 1.500 USD/ounce, trong khi giá vàng SJC chỉ giảm nhỏ giọt

Công nhân Nhà máy Sắn Văn Yên ủ phân hữu cơ vi sinh.

Từ niên vụ 2016 đến 2019, huyện Văn Yên đã triển khai Đề án “Xây dựng mô hình bón phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của nhà máy sắn với chế phẩm men vi sinh emic, bón cho cây sắn trên đất dốc” và Đề án “Nhân rộng giống sắn mới năng suất cao BK- giai đoạn 2017-2019”.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành kể từ 17/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục