Dự Hội nghị, tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và đại diện các hội, hiệp hội, hợp tác xã tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tình huống nào cùng với đảm bảo nhu cầu nhu yếu phẩm tối thiểu cho người dân, Thủ tướng cho rằng 10 năm nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn và toàn diện.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp lương thực một cách hợp lý, giải quyết bài toán hạ tầng nông nghiệp, công nghiệp chế biến... thậm chí phải nghĩ đến việc các loại gạo dinh dưỡng cho toàn dân và xuất khẩu.
Không chỉ yêu cầu các nhà khoa học, bộ ngành lẫn lãnh đạo các địa phương có diện tích nông nghiệp lớn gấp rút tìm kiếm các giải pháp mới, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới cần đảm bảo an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc đảm bảo an ninh lương thực không đơn thuần chỉ là đảm bảo kinh tế, mà còn là đảm bảo an sinh xã hội, gồm đảm bảo nguồn cung, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận của người dân về vấn đề lương thực.
Sau 10 năm thực hiện Đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia được nâng lên. Giai đoạn 2009 - 2019, sản lượng lúa của cả nước tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái
Tại tỉnh Yên Bái, sau 10 năm thực hiện Đề án, nhận thức của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã có sự chuyển biến rõ nét.
Các chủ trương, chính sách phù hợp trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có vai trò thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức sản xuất, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nông nghiệp, nông thôn. An ninh lương thực của tỉnh luôn được đảm bảo trong mọi tình huống, đặc biệt là trong tình huống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đảm bảo có sự phát triển hài hòa giữa các vùng, khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh giảm dần.
Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp duy trì từ 4,5-5%, giá trị toàn ngành năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.876,6 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2010; cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 75,3% xuống 67,3%; tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 23% lên 31,5%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp tăng từ 20,7% lên 23,2%; tỷ trọng ngành thủy sản tăng từ 3,6% lên 3,9%.
Mạnh Cường