Yên Bái tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi: Thận trọng, hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/3/2020 | 8:00:27 AM

YênBái - Thời điểm hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã công bố hết dịch. 3 xã cuối cùng tái phát dịch của huyện Lục Yên cũng đã qua trên 30 ngày không có lợn mắc bệnh. Việc tái đàn lợn đang được tỉnh triển khai thực hiện một cách thận trọng với những điều kiện khắt khe hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học.

Người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn.

Thận trọng khi tái đàn

Trong năm 2019, BDTLCP đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, dịch đã xuất hiện trên 5.220 hộ, tại 529 thôn bản, tổ dân phố của 124 xã, phường, thị trấn ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn ốm, mắc bệnh là gần 25.600 con; số lợn ốm, chết buộc phải tiêu hủy theo quy định là trên 28.000 con, trọng lượng trên 1.265 tấn. 

Hiện nay, tái đàn là giải pháp cấp bách để bù bắp sản lượng thịt hơi thiếu hụt và ổn định sản xuất chăn nuôi nhưng không vì thế mà nóng vội, tái đàn ồ ạt. Tỉnh Yên Bái đã khuyến cáo người dân thận trọng, xem xét tình hình dịch bệnh, thị trường cung - cầu... vì đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, có thể sẽ tái phát và kéo dài, đặc biệt chưa có vắc-xin để chữa triệt để. Do vậy, tỉnh, ngành chuyên môn đã chỉ đạo sát sao việc tái đàn phát triển chăn nuôi trong thời gian này. 

Cụ thể, chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát và đã công bố hết BDTLCP nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tuyên truyền các cơ sở chăn nuôi thận trọng khi tái đàn, khuyến khích sử dụng nguồn giống tại địa phương để chăn nuôi. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Cùng với thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn, việc phòng chống và kiểm soát BDTLCP vẫn phải được chủ động thực hiện với các biện pháp như: tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn cơ sở chăn nuôi thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng bằng các loại hóa chất, vôi bột theo quy định để tiêu diệt mầm bệnh; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh; chấp hành nghiêm việc vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có BDTLCP”.

Việc tái đàn lợn, khi đủ điều kiện phải theo lộ trình cụ thể như: mới tái đàn chỉ được phép nuôi 10% số lượng so với trước khi có dịch, có thể nuôi tại cơ sở. Sau 30 ngày nuôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm, nếu cho kết quả âm tính với BDTLCP, khi đó mới được nâng dần số lượng lợn nuôi theo năng lực của cơ sở. 

Tháng 7/2019, BDTLCP bùng phát khiến gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái bị thiệt hại gần 5,6 tấn lợn thịt. Thiệt hại kinh tế lớn, nhưng do đã đầu tư chuồng trại kiên cố và gắn bó với nghề nuôi lợn nhiều năm nên chị quyết tâm tái đàn để bù lỗ. Sau khi áp dụng các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, tháng 11 chị Hằng tái đàn trở lại. 

Với quy mô chuồng trại, gia đình chị Hằng có thể nuôi gần 200 con lợn nhưng để bảo đảm được nguồn giống và nghe ngóng tình hình dịch bệnh, chị chỉ nuôi 6 con để gây lợn nái. Nhờ chăm sóc và phòng dịch tốt nên đàn lợn phát triển khỏe mạnh, sau đó, chị Hằng mua gần 10 con lợn thịt bảo đảm nguồn gốc về nuôi, hiện sắp đến kỳ xuất bán. 

Chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: "Sau trận dịch đó, gia đình gần như kiệt quệ nên giờ có muốn nuôi nhiều cũng không có vốn vì con giống đắt. Hiện tôi đã làm đúng theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi tái đàn”. 

Bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học

BDTLCP là bệnh dịch nguy hiểm với nhiều chủng vi rút có độc lực cao, tồn tại lâu trong môi trường, có nhiều nguồn phát tán và đặc biệt là chưa có thuốc chữa cũng như vắc-xin phòng bệnh. Do đó, để tái đàn hiệu quả thì việc bảo đảm an toàn sinh học là điều kiện tiên quyết. 

Chăn nuôi an toàn sinh học tức là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, khu dân cư, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; kiểm soát không để người lạ, chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo ra vào khu vực chăn nuôi; có các biện pháp sát trùng; tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; thu gom và xử lý chất thải bằng các biện pháp thích hợp. Bên cạnh đó là các biện pháp chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào chuồng trại. 

Nhờ áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện hiệu quả khâu phòng, chống dịch bệnh nên thời gian qua, 16 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Yên Bái quy mô từ 500 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt trở lên vẫn an toàn với BDTLCP. 

Để phát triển bền vững và đứng vững trước mọi dịch bệnh, nhất là BDTLCP thì chăn nuôi an toàn sinh học đang là giải pháp được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với đặc thù toàn tỉnh có trên 50% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc áp dụng an toàn sinh học còn nhiều khó khăn, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp nuôi lợn an toàn. 

Cùng đó, các hộ chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại; yêu cầu về con giống đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ và an toàn dịch bệnh; thức ăn, nước uống, xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh theo quy định của thú y. Từ đó, bảo vệ tốt đàn lợn hiện có và là cơ sở để tái đàn. Người chăn nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương khi tái đàn và chỉ nhập con giống tại các cơ sở có uy tín an toàn dịch bệnh. 

Ngành nông nghiệp khuyến khích các trang trại, gia trại, hộ gia đình thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, một số trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín với việc áp dụng nghiêm ngặt về quy trình chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh đã đứng vững trước cơn bão BDTLCP. 

Bà Nguyễn Thị Hoa ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết: "Là khu chăn nuôi độc lập, xa khu dân cư và tôi đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch nên trong suốt  6 năm chăn nuôi lợn với quy mô 8 lợn nái và gần 200 lợn con, lợn thịt đều được an toàn. Đặc biệt, tôi thực hiện đúng các yêu cầu về: chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi, con giống, thức ăn và nước uống, vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ra, vào khu vực chăn nuôi, kiểm soát phương tiện vận chuyển khi xuất bán và lấy cám, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi”.

BDTLCP đã hết, việc tái đàn khôi phục sản xuất là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm lợn thịt của người dân. Để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại, các địa phương cần tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn trên địa bàn, chỉ tái đàn khi bảo đảm các điều kiện an toàn về nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Hiện nay, các địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác tái đàn nhưng phải bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, trong đợt BDTLCP vừa qua, người chăn nuôi đã có kinh nghiệm và nắm vững quy trình nghiêm ngặt trong chăn nuôi và công tác phòng chống bệnh; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm đáng kể; các hộ chăn nuôi tập trung đã củng cố cơ sở vật chất tiến tới xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học... 

Đây là yếu tố tích cực cho ngành chăn nuôi. Ngành tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh giải pháp, phương án phát triển vững chắc và cân đối giữa đàn lợn và các đàn vật nuôi khác. Ngành sẽ mở các hội nghị xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư từ bên ngoài, các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi lớn để xây dựng cơ sở vật chất tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

Đây là giải pháp cấp thiết để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh, bởi vùng an toàn dịch bệnh sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi, được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, được rút ngắn trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn... 

Đặc biệt, Luật Thú y có hiệu lực từ 1/1/2020 thì các cơ sở chăn nuôi sẽ phải thực hiện nghiêm quy định về: phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

   Hồng Duyên

Tags Yên Bái tái đàn dịch tả lợn châu Phi thận trọng chăn nuôi an toàn sinh học

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Chế Cu Nha khóa V, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Dấu ấn đầu tiên trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ xã Chế Cu Nha là công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ với mức giảm hộ nghèo ấn tượng, bình quân mỗi năm 8,3%.

Quang cảnh buổi làm việc

Chiều 19/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh.

Để hỗ trợ thị trường, từ ngày 19/3, cơ quan điều hành giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Vietnam Airlines thông báo tạm dừng khai thác tất cả đường bay quốc tế trong mạng bay của Hãng dự kiến đến hết ngày 30/4/2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục