Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, chủ đề "Khí hậu và nước” của Ngày khí tượng thế giới năm 2020 được lựa chọn cùng với chủ đề của Ngày Nước thế giới 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu” thể hiện mối liên kết mật thiết với nhau. Khẩu hiệu "Đong đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước” cho thấy số liệu quan trắc, đo đạc rất quan trọng để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn cũng như quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
"Nước - khí hậu - biến đổi khí hậu” là những thách thức lớn toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, ba nhân tố này có mối liên hệ mật thiết mà chúng ta cần phải quản lý, theo dõi, giám sát thống nhất và kết nối mới có thể giải quyết được những thách thức liên quan đến Khí hậu và Nguồn nước đang đem lại cho thế giới.
"Đối với Việt Nam hiện nay, thông tin KTTV được xem là thông tin đầu vào phục vụ cho quy hoạch phát triển các khu dân cư, các vùng kinh tế ven biển và thiết thực đối với các ngành kinh tế xã hội”, ông Thái cho hay.
Theo ông Thái, hiện nay, Tổng cục KTTV đã đưa vào sử dụng một hệ thống 10 trạm radar, 6 trạm thám không vô tuyến, 18 trạm phát hiện dông sét trong mạng lưới định vị sét toàn cầu. Hệ thống quan trắc đã được đầu tư xây dựng mới và duy trì hiệu quả quan trắc kết hợp truyền thống, hiện đại và tự động với 1458 trạm/điểm quan trắc KTTV bao gồm các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn (bao gồm cả trạm nông nghiệp, bức xạ, trạm thủ công, tự động); trạm đo mưa tự động và trạm quan trắc hải văn,...
Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thông điệp của Tổng thư ký WMO năm 2020 đã nhắc nhở người dân đặc biệt là các cơ quan khí tượng là "đối mặt với những thách thức ngày càng lớn liên quan đến vấn đề về nước, như lũ lụt, hạn hán, cũng như những hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước sạch”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết "Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH. Để đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, cần sự chung tay của tất cả các ban ngành trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học”.
Theo ông Thành, chế độ KTTV dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm.
Theo số liệu của UNICEF, hiện nay có khoảng gần 1/3 tổng dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn. Riêng tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực hiện nay.
"Điều đó cũng chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của BĐKH, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường. Vì vậy vai trò của việc đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai là điều cấp thiết. Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với BĐKH. Hãy góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày”, Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.
Mạng lưới quan trắc khí tượng còn thủ công dẫn tới dự báo sai số
Theo TS Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, công tác dự báo KTTV luôn là công việc hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra một cách hiện hữu với tính chất "dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ.
"Dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai là rất khó và không bao giờ đạt được độ chính xác tuyệt đối. Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là một đất nước có rất nhiều bão, lũ”, ông Cường cho hay.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn mang tính bất định, bất quy luật, lại thêm tác động của BĐKH, các hoạt động của con người và hạn chế về khoa học công nghệ nên thách thức đặt ra cho công tác dự báo, cảnh báo vẫn còn rất lớn.
Việc dự báo, cảnh báo thiên tai đã khó, việc đánh giá mức độ tác động, tính rủi ro, mức độ nguy hiểm của thiên tai khó khăn hơn vì còn phụ thuộc vào hiện trạng, năng lực ứng phó của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của thiên tai.
"Khó khăn lớn nhất đó là mạng lưới quan trắc KTTV còn thưa, thiết bị đo còn thủ công, việc đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc KTTV còn thiếu nguồn lực, chưa đa dạng được nguồn vốn đầu tư. Hiện nay, mạng lưới trạm KTTV hiện có 1458 trạm/điểm so với Quy hoạch 90 của Chính phủ là 5.515 trạm, mới đáp ứng được khoảng 27%”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, hệ thống trạm quan trắc KTTV hiện nay còn rất thưa, một trạm khí tượng chỉ có thể quan trắc được những gì xảy ra xung quanh bầu trời bán kính 10 - 20km trong khi ở nhiều nơi, các trạm này cách nhau từ 50 - 100km. Dọc theo bờ biển nước ta dài hơn 3.000km mới chỉ có 30 trạm khí tượng bề mặt, ngoài biển khơi mật độ trạm cũng quá thưa, cả khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên các đảo. Thiết bị đo phục vụ cho quan trắc chủ yếu vẫn là thủ công, thiết bị quan trắc tự động chưa được trang bị nhiều, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo đòi hỏi ngày càng cao và chính xác hơn.
Cùng đó là khó khăn về công nghệ dự báo KTTV còn nhiều hạn chế; các mô hình dự báo của nước ngoài chưa được tối ưu hóa các thômg số phù hợp với các khu vực khác nhau của Việt Nam. Nguồn nhân lực trình độ cao về dự báo KTTV chưa nhiều và chủ yếu tập trung ở Trung ương, rất thiếu ở địa phương.
Hiện nay, BĐKH đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tài nguyên nước ở Việt Nam. Do thay đổi chế độ mưa theo hướng tập trung hơn vào mùa mưa và thời gian ít mưa kéo dài hơn nên dẫn đến gia tăng ngy cơ hạn hán, thiếu nước trong mùa khô; lũ lụt thường xuyên xảy ra hơn trong mùa mưa, lũ.
Số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy lượng dòng chảy tại các trạm thủy văn trên những lưu vực sông chính nước ta như sông Hồng, Đồng Nai - Sài Gòn, Ba, Vu Gia - Thu Bồn... phổ biến có xu thế giảm.
Trong khi đó, đỉnh lũ cao nhất năm có xu hướng liên tục gia tăng ở hầu hết các lưu vực sông, trừ một số vùng như hạ lưu sông Hồng - Thái Bình và sông Ba do có sự điều tiết của các hồ, đập. Ở khu vực ven biển miền Trung và Nam Bộ, lũ lớn và đặc biệt lớn xảy ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Ở ven biển miền Trung, và ở ĐBSCL lũ lớn, lũ đặc biệt lớn… chủ yếu xảy ra trong khoảng 20 năm trở lại đây.
Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, ven biển miền Trung và Tây Nguyên. Do tác động của BĐKH nên hiện tượng mưa cực đoan thường xuất hiện hơn dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét ngày càng cao.
Hạn hán và do thiếu hụt dòng chảy nên hiện tượng xâm nhập mặn ở ĐBSCL và ven biển Trung Bộ ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ trong khoảng 5 năm chúng ta đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn ở mức khốc liệt ảnh hưởng lớn đến KT-XH và đời sống nhân dân.
(Theo VOV)