Cái được lớn nhất sau 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về đề án an ninh lương thực quốc gia ở Yên Bái không chỉ là việc người dân không còn lo cái ăn hàng ngày, đời sống nâng cao, mà còn thay đổi rõ nét phương thức tổ chức sản xuất từ tự cung, tự cấp phục vụ đời sống thiết yếu gia đình chuyển sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường. Từ quy mô sản xuất nhỏ bé, dựa vào tự nhiên, nông dân đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất, sản lượng cao hơn.
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: sản xuất nông nghiệp những năm gần đây có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,04%; kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đời sống của cư dân nông nghiệp ngày càng phát triển; Yên Bái đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thu hút được một số nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ một tỉnh hàng năm thiếu cả nghìn tấn lương thực, nhiều hộ dân phải lo cái ăn hàng ngày thì hôm nay an ninh lương thực đã đảm bảo vững chắc. Yên Bái luôn xác định rõ, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Qua đó, mỗi giai đoạn, tỉnh luôn ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển nông lâm nghiệp giành kết quả cao nhất. Từ năm 2009-2015, tỉnh tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài. Nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững sự ổn định xã hội.
Từ đó, tập trung nguồn lực để rà soát, phân bổ tư liệu sản xuất (đất đai) cho đồng bào vùng cao, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai ở vùng cao; cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện thành công việc san sẻ đất sản xuất cho các hộ gia đình thiếu đất tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tạo điều kiện cho nhân dân có đất sản xuất ổn định lâu dài. Cùng đó, hàng năm, tỉnh còn hỗ trợ trên 40 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Một trong những thành công nhất, hiệu quả nhất của tỉnh chính là việc vận động nhân dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi được trên 3.000 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng 2 vụ ngô trên đất dốc theo biện pháp canh tác bền vững và trở thành cây chủ lực xóa đói nghèo, làm giàu ở vùng cao.
Bên cạnh đó, không thể không nói đến việc thay đổi tập quán sản xuất lúa nước từ 1 vụ sang 2 vụ; mở rộng gieo trồng các cây vụ đông trên đất ruộng bậc thang cạn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Dựa trên những kết quả đã đạt được từ năm 2015 đến nay, tỉnh tập trung phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển từ chiều rộng sang phát triển theo yêu cầu của thị trường về chất lượng, đảm bảo hài hòa 2 mục đích là phát triển kinh tế, tăng thu nhập bền vững cho nông dân và đảm bảo môi trường sinh thái.
Qua đó, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, ngoài chính sách hỗ trợ của trung ương, mỗi năm tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Từ những định hướng và phát triển sản xuất, nông nghiệp Yên Bái đã có sự thay đổi và phát triển tích cực mà rõ nét nhất chính là đã thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường.
Từ quy mô sản xuất nhỏ bé, chủ yếu dựa vào tự nhiên nay chuyển sang sản suất hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tạo ra năng suất và sản lượng cao hơn, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân đã hình thành rõ nét một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân như: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao gần 3.000 ha, vùng ngô 15.000 ha, vùng cây ăn quả trên 8.000 ha, vùng quế gần 70.000 ha, sơn tra trên 8.000 ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, diện tích nuôi thủy sản trên 22.300 ha và hơn 1.500 lồng cá với sản lượng trên 8.500 tấn; phát triển vùng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ 100.000 ha...
Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp duy trì từ 4,5-5%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 2018 đạt 6.876,6 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2010; giá trị sản xuất toàn ngành năm 2019 đạt 7.204 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ; toàn tỉnh có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, mỗi năm tỉnh hỗ trợ 50 tỷ đồng cho phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ những định hướng và phát triển sản xuất, nông nghiệp Yên Bái đã có sự thay đổi và phát triển tích cực mà rõ nét nhất chính là đã thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống thiết yếu gia đình là chủ yếu chuyển dần sang sản xuất tập trung, phục vụ nhu cầu của thị trường.
|
Thanh Phúc