Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc TTDVHTPTNN huyện Trạm Tấu cho biết: thời gian qua, Trung tâm chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện, chính quyền các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) cho nông dân; chủ động bám sát cơ sở để sớm phát hiện, kịp thời phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; thực hiện tốt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân, vụ mùa; tham gia các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Bên cạnh những thuận lợi, đơn vị cũng còn gặp không ít khó khăn như: đa phần máy vi tính đã hết hạn sử dụng không sửa chữa được, gây ảnh hưởng đến chuyên môn; 3 xã chưa có cán bộ, phải phân công 1 người phụ trách 2 xã; việc cấp thuốc tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm còn chậm, gây ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch...
Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hàng năm, Trung tâm đã bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng kế hoạch hoạt động hàng tháng.
Cụ thể, năm 2019, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 184 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 4.692 lượt người tham gia; chỉ dẫn tại hiện trường 276 buổi cho 7.919 lượt người; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 7 lớp dạy nghề cho 210 lao động nông thôn.
Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm về cây trồng, vật nuôi như: thâm canh khoai sọ với diện tích 3 ha gồm 10 hộ ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công tham gia, kinh phí 181 triệu đồng, năng suất thu hoạch đạt 77 tạ/ha; trồng dưa bở 1 ha, với 4 hộ thôn Km17, xã Trạm Tấu, kinh phí trên 45 triệu đồng, năng suất đạt 65 tạ/ha; cấy lúa tẻ đỏ 5 ha, với 45 hộ ở xã Hát Lừu tham gia, năng suất đạt 57 tạ/ha; trồng ngô LVN99 với diện tích 1 ha, có 3 hộ ở xã Hát Lừu và xã Bản Mù tham gia, năng suất đạt 62 tạ/ha.
Dự án nuôi gà đen đặc sản với 2.400 con gà giống, với 20 hộ thuộc thôn Pa Te, xã Túc Đán và thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau tham gia, kinh phí thực hiện gần 200 triệu đồng; dự án nuôi dê sinh sản với 56 con với 14 hộ của thôn Tấu Trên và Tấu Dưới, xã Trạm Tấu thực hiện, kinh phí trên 220 triệu đồng… Qua đánh giá, các mô hình đã, đang phát huy tốt hiệu quả và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Do đặc thù là huyện vùng cao, thời tiết, khí hậu thường xuyên thay đổi nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Trong đó, đối với cây lúa thường mắc các bệnh: rầy lưng trắng, rầy nâu, bạc lá, đạo ôn… Các loại rau thường bị sâu xanh, sâu xám… Trung tâm đã hướng dẫn nông dân thực hiện việc phòng trừ kịp thời, không để bị lây lan ra diện rộng.
Công tác chăn nuôi-thú y thời gian gần đây cũng gặp không ít khó khăn; đặc biệt, từ tháng 5 đến tháng 8/2019 xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 9/12 xã, thị trấn, với 1.788 con lợn của 685 hộ mắc bệnh. Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, tiêm phòng vắc-xin, hướng dẫn vệ sinh, sát trùng, tiêu độc… Đến tháng 9, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế và thiệt hại kinh tế của các hộ dân gần 3 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 5/2/2020, tại địa bàn thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, có 25 con trâu, bò của 9 hộ dân bị mắc bệnh lở mồm long móng. Trước tình hình dịch bệnh xảy ra, Trung tâm đã nhanh chóng khoanh vùng và dùng 74 lít thuốc sát trùng, 700 kg vôi bột và tiêm bao vây 1.050 liều kháng sinh cho gia súc của 3 thôn ở xã Pá Lau và thôn Pa Te, xã Túc Đán. Sau 21 ngày theo dõi, không phát sinh dịch bệnh mới.
Để tăng năng suất, chất lượng hiệu quả cây trồng, vật nuôi, thời gian tới, TTDVHTPTNN huyện Trạm Tấu tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, cung ứng dịch vụ khuyến nông về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; nhân rộng các mô hình trình diễn nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác; phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
Thái Hưng