Tôi còn nhớ có dịp trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh,Nguyễn Văn Khánh, đồng chí từng trăn trở: "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch là hướng đi rất đúng đắn mà tỉnh Yên Bái đã và đang hướng tới nhưng nông nghiệp, nông thôn và người nông dân vẫn được tỉnh nhà đặc biệt quan tâm đầu tư; trong đó, xây dựng nông thôn mới là trọng tâm nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông lâm nghiệp.
Một trong những chủ trương, chính sách của tỉnh trên lĩnh vực nông lâm nghiệp đó là Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”.
Do đặc thù địa lý Yên Bái có địa hình, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá đa dạng nên chúng ta có rất nhiều sản vật như: chè Suối Giàng, nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, bưởi Đại Minh… Đó là cơ sở, là nền tảng đầu tiên để Yên Bái tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung hướng tới mỗi địa phương có một sản phẩm.
Cùng với đó, là những mô hình, điển hình tiên tiến, mạnh dạn góp vốn đầu tư, khơi dậy tiềm năng, phát triển sản xuất, tạo ra sản lượng hàng hóa với khối lượng lớn, giá trị cao, gắn với thị trường nội tiêu, xuất bán ra các tỉnh bạn và vươn ra thị trường quốc tế như: vùng sản xuất rau an toàn tại xã Yên Phú (Văn Yên), Minh Bảo, Tuy Lộc, Văn Phú (thành phố Yên Bái), Phù Nham (thuộc huyện Văn Chấn trước đây, nay là thị xã Nghĩa Lộ) hay Minh Tiến (nay sáp nhập vào xã Y Can, huyện Trấn Yên).
Thống kê cho thấy, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện có gần 8.000 ha; trong đó, vùng cây ăn quả có múi đạt hơn 3.576 ha với các giống cây ăn quả đặc sản theo lợi thế vùng miền đã được quan tâm đầu tư phát triển như: bưởi Ðại Minh, huyện Yên Bình; cam CS1, V2, bưởi Diễn, quýt Đường canh, huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên... Sản lượng quả các loại hàng năm đạt khoảng 36.000 tấn.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung, có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây lâm nghiệp thông thường như: vùng trồng quế với diện tích hơn 68.000 ha tập trung tại Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; vùng tre măng Bát độ hơn 3.600 ha, tập trung tại Trấn Yên và tiếp tục mở rộng sang các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình.
Tại vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải cây sơn tra đã thành cây trồng chủ lực, mang lại đời sống ấm no cho nhiều thôn bản người Mông; đến nay diện tích sơn tra đã lên tới 6.200 ha hay vùng cánh đồng Mường Lò với sản phẩm gạo đặc sản...
Đó là lợi thế lớn để các địa phương xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tạo sản phẩm chủ lực phát triển kinh tế, làm giàu cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua khảo sát tại các xã, phường và thị trấn trên địa bàn, tỉnh Yên Bái hiện có 192 sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP có thể tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó: thực phẩm có 160 sản phẩm; đồ uống 7 sản phẩm; dược liệu 1 sản phẩm; vải và may mặc 6 sản phẩm; lưu niệm, nội thất, trang trí 6 sản phẩm; dịch vụ du lịch 12 sản phẩm.
Năm 2020, toàn tỉnh đã có 15 sản phẩm OCOP và nhiều mô hình phát triển du lịch cộng đồng nông thôn, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch… ở vùng người Thái Mường Lò, người Mông Mù Cang Chải, người Tày ở Lục Yên và người Dao vùng hồ Thác Bà.
Nhằm giúp đỡ người dân nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm, các cấp chính quyền đã vào cuộc với nhiều giải pháp thiết thực như: hỗ trợ giống vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, tư vấn quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất ra những sản phẩm hữu cơ, cùng với đó là xây dựng và đưa thương hiệu ra thị trường, đăng ký Chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nhiều mặt hàng do nông dân Yên Bái làm ra đứng vững trên thị trường, sản lượng lớn, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn và là niềm tự hào của quê hương như: sản phẩm "Miến đao Giới Phiên” với 50 hộ tham gia chương trình, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ từ 600 đến 700 tấn miến, mang lại doanh thu trên 24 tỷ đồng; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình là giống bưởi bản địa, có lịch sử lâu đời tại xã Đại Minh cách đây khoảng 300 năm.
Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Bưởi Đại Minh”, khẳng định bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Đại Minh phát triển, mở rộng thị trường khắp các tỉnh trong cả nước.
Nhờ vậy, đến nay, xã Đại Minh có nhiều mô hình "vườn bưởi kiểu mẫu” có quy mô diện tích lớn, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm hữu cơ... được hình thành. Hiện, toàn xã có trên 980 hộ dân thì có trên 80% số hộ trồng bưởi, tổng diện tích trên 270 ha, doanh thu mỗi năm đạt gần 50 tỷ đồng.
Còn rất sớm để khẳng định sự thành công nhưng chúng ta có thể khẳng định, Chương trình OCOP không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Lê Phiên