Nhận diện sớm và rõ các nguy cơ thách thức, ngành nông nghiệp đã xây dựng kịch bản đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục; trong đó, mục tiêu đặt hàng đầu là phải khắc phục khó khăn thúc đẩy sản xuất để có đủ lương thực, thực phẩm cung ứng vững chắc trong mọi hoàn cảnh.
Năm 2020, ngành nông nghiệp Yên Bái phấn đấu tổng sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 4.293 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 7.546 tỷ đồng, tăng 4,75% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đang và sẽ tiếp tục gặp khó khăn về đầu ra.
Trong đó, gặp nhiều khó khăn hơn cả là thị trường xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp như: ván bóc, gỗ dán, ván ghép thanh và các sản phẩm gỗ rừng trồng; vỏ quế, tinh dầu quế, măng tre Bát độ. Những ngày qua, mặc dù một số cửa khẩu sang Trung Quốc đã thông quan trở lại thì các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu lại quyết định đóng cửa biên giới.
Như vậy, thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng tiếp tục bị bó hẹp; do đó, buộc phải giảm năng suất để hạn chế tình trạng cung lớn hơn cầu. Xuất khẩu giảm mạnh, kéo theo giá trị, sản lượng gỗ rừng trồng sẽ giảm, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, người trồng rừng và làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nhà nước của ngành nông nghiệp.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp Yên Bái, giá trị sản xuất lâm nghiệp sẽ giảm từ 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.900 tỷ đồng; giá trị giảm do các mặt hàng gỗ rừng trồng, quế, măng tre Bát độ giảm.
Cụ thể, sản lượng vỏ quế khô giảm 500 tấn, tương đương với 7,790 tỷ đồng; sản lượng tre măng Bát độ giảm 15.850 tấn, giảm 49 tỷ đồng so với kế hoạch, sản phẩm gỗ khai thác 520.000m3 giảm 20.000m3, giảm 13,564 tỷ đồng so với kế hoạch; cành, lá quế giảm 14.835 tấn, giảm 29,7 tỷ đồng so với kế hoạch.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp Yên Bái đề ra kịch bản và các giải pháp để khắc phục với mục tiêu phải thúc đẩy phát triển sản xuất ngay trong tình hình dịch bệnh; tập trung trọng tâm là lương thực và chăn nuôi để bù đắp thiếu hụt cho sản xuất lâm nghiệp.
Như vậy, theo kịch bản này, ngành dự kiến tăng giá trị sản xuất trồng trọt từ 3.327 tỷ đồng lên 3.347 tỷ đồng bằng cách mở rộng diện tích trồng lúa thêm 666 ha sẽ góp phần đưa sản lượng lúa cả năm ước đạt 213.920 tấn, tăng thêm 3.920 tấn so với kế hoạch, giá trị tăng thêm khoảng 20 tỷ đồng.
Trong chăn nuôi, ngành tập trung tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ 1.830 tỷ đồng lên 1.910 tỷ đồng. Cụ thể, dự kiến tăng sản lượng thịt lợn thêm 2.000 tấn, giá trị tăng thêm 52 tỷ đồng, tăng sản lượng thịt gà thêm 550 tấn, giá trị tăng thêm 28 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung đẩy mạnh chuyển đổi hình thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ trong nông hộ sang phát triển theo hướng trang trại, tập trung bán công nghiệp, công nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi để giảm bớt được thiệt hại trong sản xuất; khống chế tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi; hướng dẫn sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Trong lĩnh vực thủy sản, ngành tập trung duy trì diện tích nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh đạt trên 22.000ha; phát triển các hình thức nuôi cá thâm canh trong ao, hồ, nuôi cá lồng tại các hồ chứa; tích cực sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, có giá trị kinh tế cao để nuôi trồng nhằm tăng sản lượng, giá trị; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị cá hồ Thác Bà và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện thủ tục về chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường; giao, cho thuê đất, mặt nước để thúc đẩy sản xuất thủy sản.
Cùng đó, để đạt được mục tiêu giá trị về sản xuất lâm nghiệp, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt bảo vệ và phát triển rừng, trồng mới diện tích rừng theo kế hoạch; chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn và tăng cường chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.
Văn Thông