Là tỉnh miền núi có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, nên Yên Bái đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Với chủ trương khai thác triệt để đất đai, tiểu vùng khí hậu, thương hiệu đã có, tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung cho giá trị kinh tế cao.
Đến nay, nhiều thương hiệu được xây dựng dưới nhiều hình thức khác nhau như: Chỉ dẫn địa lý "Quế vỏ Văn Yên”, "Gạo Mường Lò”; nhãn hiệu tập thể "Gạo Chiêm hương Đại Phú An-Văn Yên; "Cam Văn Chấn”, "Cam Lục Yên”, "Chè Shan tuyết Suối Giàng”, "Miến đao Giới Phiên”...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, giao thương, tạo lập thị trường tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm của Yên Bái, qua đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức các hoạt động XTTM để đưa các nông sản đến với thị trường trong nước.
Một trong những sự kiện quan trọng đó là, trong năm 2019, Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức tuần hàng giới thiệu nhằm quảng bá, kích cầu, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng nông sản Yên Bái tại Siêu thị Hapromart C13 Thành Công Hà Nội và 5 điểm của Siêu thị Hapromart và intimex tại Hà Nội; tại Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long...
Đây là sự kiện XTTM quan trọng, vừa giúp quảng bá và tiêu thụ hàng nông sản đặc sản cho Yên Bái vừa giúp cho các DN của tỉnh tìm kiếm được các đơn hàng, sản phẩm an toàn để cung ứng cho người tiêu dùng.
Ông Phạm Trung Lân-Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Thông qua tổ chức trưng bày quảng bá, giới thiệu một số nông sản, thực phẩm tiêu biểu của tỉnh nhằm định hướng tiêu dùng và đưa sản phẩm đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh; từ đó, đẩy mạnh các giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ một cách bền vững, giúp các DN, cơ sở mở rộng và phát triển sản xuất, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để hàng địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại theo phương thức tiêu thụ hiện đại với hợp đồng dài hạn, ổn định và khối lượng lớn".
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động XTTM, việc hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ các nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP; tìm kiếm giải pháp trong việc hình thành chuỗi cung ứng, kết nối các nhà sản xuất, nuôi trồng với các nhà phân phối nhằm giải quyết đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp nhằm định hướng tiêu dùng và đưa sản phẩm đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng cũng được đặc biệt chú trọng.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: "Với đặc thù là đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực thương mại, Tổng Công ty luôn quan tâm đến việc tìm kiếm, khai thác các nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm của các vùng miền thông qua các chương trình XTTM với các tỉnh nhằm đưa các sản phẩm đặc trưng của các địa phương vào tiêu thụ trong hệ thống phân phối của Tổng Công ty cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Thời gian tới, Tổng Công ty tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành trong việc xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm địa phương tới người tiêu dùng thủ đô”.
Việc nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái; từ đó, đẩy mạnh các giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ một cách bền vững, từng bước đưa nông sản chất lượng cao của Yên Bái vào tiêu thụ tại Tổng Công ty Thương mại Hà Nội.
Bà Trần Thị Phương Lan-Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Ngành công thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành công thương Yên Bái triển khai tốt các hoạt động giao thương, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo hệ thống phân phối Hà Nội hỗ trợ tư vấn về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu và tổ chức kết nối sản phẩm tỉnh Yên Bái vào kênh phân phối, hỗ trợ quảng bá sản phẩm của Yên Bái tại thị trường nước ngoài theo chương trình XTTM của thành phố Hà Nội tại chợ đầu mối quốc tế trong năm 2020”.
Thanh Tân