Hàng loạt các ngành hàng trên địa bàn tỉnh đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid- 19 như nông - lâm nghiệp, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, may mặc, vận tải ... Nhu cầu vay hầu như chỉ tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp hàng tiêu dùng. Sự đình trệ này, kéo theo nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp giảm dẫn đến dư nợ tín dụng giảm mạnh, dù các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, ước đến 31/3/2020, tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 24.015 tỷ đồng, giảm 0,06% so với năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển đạt 565 tỷ đồng, giảm 2,92% so với năm 2019; dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội và các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đạt 23.450 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,02%, giảm mạnh so với mức tăng 3,43% của cùng kỳ năm trước. Các chi nhánh ngân hàng, QTDND đã tập trung vốn ưu tiên cho nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái và của Trung ương.
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ước đạt 10.050 tỷ đồng, tăng 0,46% so với năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 0,94%), chiếm 42,86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ước đạt 8.330 tỷ đồng, tăng 0,31% so với năm 2019 và chiếm 35,52% tổng dư nợ.
Điểm sáng "sưởi ấm” tăng trưởng tín dụng là hệ thống ngân hàng chính sách với dư nợ 14 chương trình tín dụng ước đạt 3.150 tỷ đồng tăng 3,24%, góp phần triển khai thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh năm 2020.
Cũng trong quý I/2020, để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid -19, bên cạnh việc cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn để thực hiện hàng loạt các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19.
Tính riêng trong quý I/2020, đã có 15 khách hàng được tháo gỡ với dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 139 tỷ đồng.
Thời gian tới, bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chi nhánh ngân hàng, QTDND cần có các giải pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch hoạt động kinh doanh quý II/2020 để tăng trưởng dư nợ phù hợp với mục tiêu đề ra từ đầu năm; phát huy thực hiện tốt các giải pháp về huy động nguồn vốn tại địa phương, tranh thủ tốt nguồn vốn điều hoà hệ thống, đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nhất là nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội, nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp; tập trung cho vay phát triển kinh tế, xã hội địa phương, các dự án hiệu quả.
Cùng đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất - kinh doanh tiếp cận vốn vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đối với các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất nợ xấu phát sinh; tiếp tục thực hiện tốt chương trình "Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp”, tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ NHNN và các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là cơ hội để các ngân hàng lấy lại sức tăng trưởng trong mùa kinh doanh cao điểm để thị trường tín dụng sẽ trở lại chiều tăng đáng kể trong quý II này. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nếu dịch Covid- 19 vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật - nơi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Như vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tiếp tục vẫn còn ở mức thấp và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế so với năm 2019 tăng từ 12% đến 14%.
Thông Nguyễn