Yên Bái: Ổn định để khôi phục sản xuất lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2020 | 8:04:24 AM

YênBái - Hàng loạt cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tinh dầu quế hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động do không xuất bán sản phẩm bởi các thị trường trọng điểm xuất khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản “đóng cửa” khiến giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng.

Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng sản xuất cầm chừng do thị trường tiêu thụ “đóng cửa”.
Các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng sản xuất cầm chừng do thị trường tiêu thụ “đóng cửa”.

Thị trường "đóng cửa”, sản xuất đình trệ

Xưởng ván bóc ở thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên do anh Nguyễn Khắc Trinh làm chủ. Năm 2019, xưởng có từ 5 - 7 công nhân làm việc với lượng gỗ tiêu thụ khoảng hơn 200 m3/tháng. Bước sang năm 2020, chỉ bán được 50m3 ván bóc theo đơn hàng cũ. 

"Sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc, nay thị trường này "đóng cửa”, ván làm ra không nơi tiêu thụ nên xưởng tạm ngừng hoạt động” - anh Trinh cho biết. 

Đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Không chỉ ván bóc, một số mặt hàng được coi là thế mạnh như tinh dầu quế, măng tre Bát độ cũng gặp khó. Công ty TNHH Minh Nghĩa Yên Bái ở Cụm công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái mới khôi  phục được sản xuất sau thiệt hại do bão lũ nay lại gặp khó khăn do dịch bệnh Covid - 19. 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty cho biết: "Thị trường tiêu thụ chính "đóng cửa”, chúng tôi tồn gần 8 tấn tinh dầu quế với giá trị hơn 3 tỷ đồng. Thiếu vốn để sản xuất, nhất là tiền thu mua nguyên liệu cho nông dân buộc Công ty chỉ hoạt động một dây chuyền sản xuất”. 

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Hoàng Thắng, huyện Văn Yên hiện có 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng. Hơn 1 năm nay, giá cả thị trường xuống thấp, HTX không có thị trường tiêu thụ. 

Ông Trần Văn Kiên - Giám đốc HTX cho biết: "Năm 2019, giá tinh dầu quế đã giảm mạnh. Năm nay, thị trường chính là Trung Quốc "đóng cửa” nên nhiều nhà máy trên địa bàn hoạt động cầm chừng, một số ngừng hoạt động”. Không chỉ sản xuất, dịch bệnh tác động tiêu cực đến ngành chế biến lâm sản, làm giảm giá gỗ thành phẩm, thậm chí lâm sản đến tuổi khai thác không có người mua còn ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch trồng các loại cây lâm nghiệp mới của các địa phương.

Điều chỉnh "kịch bản”

Theo kế hoạch, năm 2020, ngành lâm nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất đạt 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khai thác gỗ và lâm sản khác với giá trị đề ra 1.700 tỷ đồng. 

Việc tiêu thụ các mặt hàng lâm sản gặp khó khăn như trên, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp sẽ giảm sút nghiêm trọng. Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng, ngành dự kiến phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,06%, giảm 5,58% so với kế hoạch (theo Quyết định số 139 ngày 20/1/2020 của UBND tỉnh); giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.900 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng. 

Trong đó, sản lượng vỏ quế khô giảm 500 tấn, giảm 7,790 tỷ đồng, sản lượng tre măng giảm 15.850 tấn, giảm 49 tỷ đồng, sản phẩm gỗ khai thác giảm 200.000 m3, giảm 13,564 tỷ đồng; cành lá quế giảm 14.835 tấn, giảm 29,7 tỷ đồng. Bên cạnh điều chỉnh kịch bản tăng trưởng, ngành lâm nghiệp đang tập trung vào các giải pháp để ổn định, duy trì, đảm bảo tăng trưởng như kế hoạch đề ra. 

Trong đó, tập trung chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong công tác chọn giống và cung ứng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao phục vụ sản xuất, triển khai thực hiện Đề án trồng cây gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế đối với 1 ha rừng trồng; tiếp tục duy trì hàng năm trồng rừng khoảng 15.000 ha, giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 63%; tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng lực dự báo và phòng cháy chữa cháy rừng. 

Hướng đi kiên trì là phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn thu ổn định, phát triển các hình thức du lịch gắn với lâm nghiệp; tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp; xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển cây gỗ lớn tỉnh Yên Bái. 

Đặc biệt, ngành lâm nghiệp và các địa phương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản hàng năm của tỉnh, đặc biệt là các đề án thuộc lĩnh vực sản phẩm của lâm nghiệp như phát triển cây quế; măng tre Bát độ, cây sơn tra; nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm lâm nghiệp; Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” trong lâm nghiệp và Dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị lâm nghiệp.

Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19
(Theo Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ)

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

- Tổng cục Thuế có Công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 hướng dẫn trường hợp được gia hạn nộp thuế: "Bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ". 

- BHXH Việt Nam ban hành Công văn 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1, Điều 88, Luật BHXH 2014; các Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 16, Nghị định 115 ngày 11/11/2015 và Điều 28, Thông tư 59 ngày 29/12/2015. 

Không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành  Công văn 245 ngày 18/3/2020 đồng ý cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên. Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.

Văn Thông

Tags Yên Bái khôi phục sản xuất lâm nghiệp điều chỉnh "kịch bản”

Các tin khác

Năm 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới trên 16.000ha rừng; trong đó, khoảng 12.000ha được trồng vụ xuân.

Giá vàng SJC hiện đang thấp hơn giá vàng thế giới 200.000 đồng/lượng

Mở cửa phiên giao dịch sáng 14/4, giá vàng SJC tăng 100.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 47,55 - 48,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Lãnh đạo Sở Công Thương Yên Bái, Sở Công Thương Hà Nội tham quan gian trưng bày nông sản Yên Bái tại Siêu thị Hapromart Hà Nội.

Với mong muốn đưa nông sản đến người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành, các tỉnh tổ chức nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu để đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) hàng nông sản của Yên Bái đến người tiêu dùng trong nước.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Yên Bái, trong tổng diện tích 11.896 ha ngô toàn tỉnh đã có 121 ha trong giai đoạn 9 lá – loa kèn bị sâu keo mùa thu gây hại; diện tích nhiễm nhẹ 101 ha, trung bình 20 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục