Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, dịch vụ, giải trí...
Trong khi doanh thu sụt giảm nặng nề, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí lớn. Dịch bệnh cũng làm thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thách thức nguồn cung thay thế, đặc biệt ở các ngành sản xuất, chế biến chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; thị trường đầu ra xuất khẩu giảm mạnh, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị hủy, trong đó thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do tâm lý ngại mua sắm của người dân.
Theo kết quả khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp đều ước tính doanh thu giảm mạnh so với năm 2019 từ 40% - 50% do ảnh hưởng giảm cả về đầu vào và đầu ra, trong khi gánh nặng chi phí ngày càng tăng dẫn đến dự kiến cắt giảm mạnh lao động. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, các nhà máy sản xuất bắt đầu cho cắt giảm lao động hoặc nghỉ luân phiên, tình trạng doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, giải thể, phá sản rất cao.
Tại Yên Bái, theo rà soát, tổng hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh về tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, đến thời điểm này, đã có 52 đơn vị, doanh nghiệp toàn tỉnh có lao động ngừng việc, nghỉ việc không được hưởng lương với tổng số 1.475 người.
Trong đó, địa phương có nhiều đơn vị và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh là thành phố Yên Bái với 27 đơn vị, 964 lao động ngừng việc không được hưởng lương; huyện Lục Yên có 4 đơn vị, 19 lao động ngừng việc không được hưởng lương, 11 lao động mất việc không được trợ cấp thất nghiệp; huyện Trấn Yên có 7 đơn vị, 368 lao động ngừng việc không được hưởng lương và 146 lao động mất việc không được trợ cấp thất nghiệp…
Đặc biệt, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như: du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách… phải dừng hoạt động nhiều ngày nay, gần như không có doanh thu.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 30 họp ngày 13/4, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị cần tập trung quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm quý II.
Trong đó, trước mắt phải triển khai kịp thời gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không chậm trễ, sách nhiễu, phiền hà và kiên quyết không để tiêu cực, bớt xén gói hỗ trợ cho các đối tượng.
Các cấp, các ngành, địa phương cần chung tay tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh; triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngay sau đó, tại Kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII diễn ra ngày 14/4 cũng đã thông qua Nghị quyết về bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cụ thể sẽ góp phần giúp cho các doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất, kinh doanh và giảm thiểu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Hùng Cường