Công nghiệp Yên Bái với mục tiêu 13.000 tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/4/2020 | 8:10:23 AM

YênBái - Giai đoạn 2016-2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Trong đó, năm 2016 đạt 8.038 tỷ đồng; năm 2017 đạt 9.000 tỷ đồng; năm 2018 đạt trên 10.000 tỷ đồng, năm 2019 đạt 12.000 tỷ đồng.

Những năm qua, nhờ chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên Yên Bái đã thu hút được nhiều tập đoàn có uy tín đầu tư vào tỉnh như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Chân Thiện Mỹ, Tập đoàn Xuân Thành… 

Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phát triển theo đúng mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị của sản phẩm. 

Trong bối cảnh, tình hình cụ thể, để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 190, Nghị quyết số 41, Nghị quyết số 86 của Tỉnh ủy, Sở Công Thương đã điều chỉnh lại chỉ tiêu sản xuất công nghiệp. 

Theo đó, quý I/2020 phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 65 tỷ đồng; quý II  đạt 5.995 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng; quý III đạt  9.475 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng và cả năm đạt 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất công nghiệp. 

Giá trị sản xuất công nghiệp quý I ước đạt trên 2.537 tỷ đồng, bằng 19,52% so với kế hoạch, thấp hơn 2,96% so với kịch bản. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã đưa ra các giải pháp là tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vốn và thị trường tiêu thụ, giảm thiểu lượng hàng hóa tồn kho, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định phát huy tối đa công suất, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. 

Cùng đó, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án phát triển các chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo đa dạng các sản phẩm theo mô hình kinh tế sinh thái trên cơ sở lợi thế của tỉnh; kiên quyết không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát và xác định lộ trình cụ thể để có phương án giải quyết, xử lý các dự án sản xuất gây ô nhiễm môi trường sinh thái. 

Đặc biệt là tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Hưng và Cụm công nghiệp Minh Quân; triển khai các dự án điện năng lượng mặt trời trên lòng hồ Thác Bà và các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư đảm bảo hoàn thành theo đúng quyết định chủ trương đầu tư và thời gian cam kết.

Chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư hoặc tham gia đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tiềm năng như: chế biến các sản phẩm sau bột đá CaCO3; chế biến chè đen, chè nhúng, chè tan, nước giải khát từ lá chè; chế biến gỗ ép, gỗ ván ghép thanh, ván sàn, đồ gỗ gia dụng và nội thất văn phòng; tinh bột sắn biến tính; tinh dầu quế có hàm lượng cao đạt từ 99% trở lên, sản xuất gốm sứ xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát, nhằm tiết kiệm tài nguyên và nâng cao giá trị sản phẩm của các ngành mà tỉnh có lợi thế. 

Theo ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong tháng 4/2020, Sở Công Thương sẽ triển khai, tư vấn, hỗ trợ 30 doanh nghiệp hạ tầng thương mại điện tử. Trong đó, hỗ trợ kinh phí cho 10 doanh nghiệp; xây dựng 500 cuốn ấn phẩm giới thiệu sản phẩm thế mạnh của tỉnh Yên Bái bằng ngôn ngữ Việt - Hàn để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái công nghiệp sản lượng giảm thiểu COVID-19

Các tin khác

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản gắn liền với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2020, UBND huyện Lục Yên quyết định phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.470 triệu đồng.

Chính phủ lên phương án tiết kiệm ngân sách

Chính phủ vừa có báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, nêu rõ các mục tiêu tiết kiệm trong năm 2020.

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm từ 2021 đến 2025.

Đồng chí Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (bên trái) kiểm tra mô hình trồng hoa hồng tại HTX Hoa Nậm Khắt.

"Khi chưa có hợp tác xã (HTX), hàng năm mỗi héc - ta lúa gia đình tôi thu về 30 triệu đồng, nay HTX thuê 35 triệu đồng/ha/năm, tôi lại được làm công nhân cho HTX mỗi tháng cũng được trả 3- 4 triệu đồng, cuộc sống khá hơn nhiều rồi” - chị Giàng Thị Ca - người lao động HTX Hoa Nậm Khắt, Mù Cang Chải chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục