Được hình thành trên cơ sở của một nhóm hợp tác hoạt động cung ứng giống cây trồng trên địa bàn và một nhóm xây dựng công trình đường giao thông. Mục đích chính của HTX Thái Sơn là đưa những giống cây lâm nghiệp, nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên giúp nông dân phát triển kinh tế hộ, xây dựng nông thôn mới.
Cũng như bao HTX khác trên địa bàn, khi mới thành lập, đi vào hoạt động HTX Thái Sơn gặp không ít khó khăn. Song, với một hướng đi đúng theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX Thái Sơn thực hiện nhiệm vụ cung cấp giống cây trồng các loại, phân bón cho nông dân trong thôn, xã và cả vùng.
Với giống cây chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo năng suất, chất lượng nên mỗi năm HTX cung ứng được hàng vạn cây giống cho các xã, thị trấn trong huyện và các tỉnh lân cận. Sản phẩm cây giống của HTX được khách hàng tin cậy, đánh giá cao về chất lượng. Không dừng lại ở đó, HTX còn được tham gia thực hiện các dự án nông nghiệp như dự án chọn lọc, bình tuyển và phát triển nguồn gen cây cam sành tại huyện Lục Yên; tiếp cận, thực hiện chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lạc - sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường. Nhận thấy nguồn nguyên liệu lạc, vừng, đỗ tương ở địa phương có nhiều, HTX mạnh dạn huy động vốn, lắp đặt dây chuyền ép tinh dầu thực vật.
Cùng đó, HTX tổ chức thương thảo, liên doanh, liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc, vừng, đỗ tương cho bà con trong vùng; tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm; đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu lạc Thái Sơn.
Sản phẩm dầu lạc của HTX sản xuất được bình chọn và đạt giải Nhất cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 tỉnh Yên Bái. Sản phẩm dầu thực vật do HTX sản xuất được tiêu thụ không chỉ trong huyện, tỉnh mà còn có mặt ở thị trường Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai... HTX còn tận dụng sản phẩm phụ từ bã lạc, bã đậu tương ủ thành phân hữu cơ để trồng rau sạch nhà lưới.
Ngoài ra, HTX Thái Sơn còn đầu tư máy móc, thiết bị để phục vụ cho hoạt động thi công xây lắp, xây dựng giao thông, thủy lợi, dân dụng.
Nhờ vậy, doanh thu của HTX ngày một tăng, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện, HTX đã, đang được tham gia dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm lạc thương phẩm và tiến tới tham gia, triển khai thực hiện Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Việc triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, hay theo hướng hàng hóa của HTX Thái Sơn đã khắc phục được tình trạng "được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lạc nói riêng. Đồng thời, góp phần xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng có thương hiệu, gắn kết người sản xuất với chế biến tiêu thụ nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi diện tích cach tác.
Ngọc Trúc