Tại họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đã giới thiệu về các nội dung chính về 2 cuốn Sách trắng quan trọng này.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương, từ năm 2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì biên soạn và công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam thường niên.
Nội dung "Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020” (năm đầu tiên phát hành) gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018.
Cụ thể "Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020” gồm 5 phần: Phần I - Bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018. Phần II -Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018. Phần III - Đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã. Phần IV - Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước (phụ lục). Phần V - Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của các địa phương (phụ lục).
Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020 khẳng định, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kinh tế hợp tác xã cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì biên soạn và công bố "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”.
Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019.
Cụ thể gồm 6 phần: (1) Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2019; (2) Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; (3) Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; (4) Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; (5) Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; (6) Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.
Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, năm 2019, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng của tình hình thế giới, khu vực và thiên tai nhưng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp nước ta đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đề ra. Các tổ chức quốc tế uy tín và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá cao và khẳng định Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trong khu vực và toàn cầu.
Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2019 là sự phát triển tích cực, năng động của khu vực doanh nghiệp (hiện đóng góp trên 60% vào GDP).
(Theo chinhphu.vn)