Chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh ở Trấn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2025 | 8:16:30 AM

YênBái - Cùng với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên xác định đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, KCB, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên lấy thông tin người bệnh qua quét mã QR trên căn cước công dân.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên lấy thông tin người bệnh qua quét mã QR trên căn cước công dân.


Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình KCB tại Trung tâm thực hiện theo phương thức thủ công, kê đơn thuốc bằng viết tay, phải tra các mã bệnh thủ công nên mất rất nhiều thời gian. Các khoa, phòng làm việc riêng lẻ, bệnh nhân đến khám, điều trị, làm thủ tục thanh toán phải chờ đợi lâu do thực hiện các thủ tục hành chính tốn nhiều thời gian. 

Mặt khác, Trung tâm không kiểm soát được quá trình khám bệnh, điều trị của bệnh nhân ở tuyến dưới, ngang tuyến cũng như không phát hiện được bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở KCB khác nhưng lại đến KCB tại Trung tâm… Chính vì vậy, năm qua, Trung tâm đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng hồ sơ bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; triển khai nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cơ sở KCB công lập và tư nhân; xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa kết nối bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới... 

Ông Nguyễn Văn Quang ở thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Tôi thường xuyên đến đây khám bệnh. Bây giờ, tôi thấy các thủ tục làm nhanh gọn hơn, thời gian chờ để được vào khám cũng nhanh hơn, y bác sĩ tận tình hướng dẫn và phục vụ chu đáo nên hài lòng lắm”. Những năm gần đây, nhu cầu người dân đến KCB ngày càng tăng, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận trên 150 bệnh nhân. Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, năm 2024, Trung tâm có 100% đơn thuốc được liên thông đơn thuốc điện tử về hệ thống đơn thuốc điện tử quốc gia; 100% giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử được kết nối liên thông về kho dữ liệu dùng chung của ngành; có gần 200 giấy khám sức khỏe lái xe và 154 giấy chứng sinh được liên thông với Cổng dịch vụ công. 

Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện khai báo lưu trú cho người bệnh nội trú trên Cổng dịch vụ công và qua phần mềm khai báo lưu trú ASM với 151 hồ sơ, 4.620 bệnh nhân; tăng cường tiếp nhận KCB bằng thẻ căn cước công dân với 62.000 lượt tra cứu bằng thẻ căn cước thành công. Trung tâm đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, chỉ đạo các khoa, phòng triển khai thực hiện, tập trung vào các nhóm tiện ích: giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… 

Qua đó, đã mang lại nhiều kết quả trong thủ tục cấp giấy chứng sinh, chứng tử, nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, cấp giấy khám sức khỏe lái xe, cập nhập hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng. Tuy nhiên, vẫn còn có một số khó khăn như: thẻ tra cứu trả về không thành công còn nhiều; tỷ lệ thanh toán điện tử còn thấp. 

Bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Thị Châu Loan - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Trung tâm đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Đề án 06. Năm 2025, Trung tâm tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả 53 dịch vụ công thiết yếu; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng hồ sơ bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; triển khai nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cơ sở KCB. Đồng thời, đơn vị xây dựng và vận hành nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa kết nối bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường tuyên truyền các lợi ích của Đề án 06; thực hiện thống kê, rà soát, cập nhật, làm sạch dữ liệu bảo đảm thông tin công dân luôn "đúng, đủ, sạch, sống”. 

Mặc dù còn hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nhưng Trung tâm xác định phải khắc phục hiệu quả để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.

Trần Minh

Tags Trấn Yên trung tâm y tế nhân dân khám chữa bệnh

Các tin khác
Ảnh minh hoạ.

Mức độ chuyển đổi số của các Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ được đánh giá công khai trên các cổng thông tin điện tử.

Sự phát triển của truyền thông xã hội và công nghệ đã thay đổi cách tiêu thụ tin tức của người dùng. Để tồn tại, báo không còn chỉ là nơi đưa tin tức đơn thuần, mà có thể phải “tái cấu trúc” và “tái cơ cấu” để trở nên “đa dịch vụ” hơn. Đó cũng chính là một cách để báo chí có thể tiếp tục phục vụ cho chính sứ mệnh truyền thống của mình là đưa tin, đưa sự thật đến công chúng.

Mạng 5g đã được cung cấp tại một số tỉnh, thành phố lớn trên cả nước

Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải phủ sóng 5G toàn quốc, bởi đây là nền tảng cho kỷ nguyên số, chuyển đổi số. Vậy, Việt Nam cần làm những gì để có thể hiện thực hóa mục tiêu này?

Các doanh nghiệp và tiktoker cùng livestream bán hàng trực tuyến tại Chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến và trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế số năm 2024”.

Kinh tế số là xu hướng toàn cầu đang dần trở thành động lực phát triển mạnh mẽ tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam và Yên Bái không nằm ngoài dòng chảy này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục