Hết năm 2019, toàn tỉnh có 2.147 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 25.000 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh đã quan tâm tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi nghiên cứu, khảo sát thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhằm giúp các doanh nghiệp trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tăng thị phần sản phẩm xuất khẩu trên thị trường.
Mặt khác, tỉnh đã mời các đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc kết nối, giao thương tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp trong tỉnh; tăng cường mối quan hệ tham tán thương mại ở các nước để quảng bá các sản phẩm của Yên Bái tới thị trường thế giới; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ Việt Trung - Trung Việt, Việt - Lào...
Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước như tham gia các hội chợ trong nước, trong tỉnh, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, giúp tăng thị phần cung cấp hàng hóa.
Yên Bái cũng quan tâm tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh bạn; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tại tỉnh để giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương mở rộng thị trường, qua đó bước đầu đã đưa một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tiêu thụ tại hệ thống Siêu thị Big C, Vinmart, Hapro khu vực phía Bắc; hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước thông qua các đoàn khảo sát, thị trường, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế.
Việc phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn cũng được chú trọng thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo... nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về phát triển thương mại chuyên ngành trên địa bàn tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực cho nhiều đối tượng như: cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh hộ gia đình, các đơn vị quản lý chợ, tiểu thương kinh doanh tại chợ... để nâng cao năng lực, nhận thức và phát triển thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Từ những điều kiện thuận lợi cho phát triển và sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp đáng kể vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tích cực đầu tư, mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tích cực tham gia có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Trong đó, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều có doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.
Việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, góp phần đa dạng hóa các thành phần kinh tế, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hàng nghìn lao động trong tỉnh.
Hạnh Quyên