Ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình trao đổi: Nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung, 5 năm qua, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và của địa phương, mời gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN-TTCN trong một số lĩnh vực chủ lực của huyện như: sản xuất chế biến nông - lâm sản, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; đầu tư vào ngành công nghiệp dệt may…
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất CN-TTCN.
Do vậy, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đã có sự phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng... Đến nay, cơ bản lấp đầy diện tích Khu công nghiệp Mông Sơn; Cụm công nghiệp Thịnh Hưng được mở rộng lên 53 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 40% tổng diện tích.
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng chung.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 67 doanh nghiệp và 792 cơ sở cá thể hoạt động sản sản xuất công nghiệp; trong đó có 62 doanh nghiệp, 790 cơ sở cá thể có hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, giá trị sản xuất ngành chế biến chiếm 85% tỷ trọng ngành công nghiệp. Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách của tỉnh, huyện về thu hút đầu tư đã tạo đà cho sản xuất CN-TTCN của huyện tăng trưởng khá nhanh.
Nếu như năm 2015 tổng giá trị sản lượng công nghiệp của huyện đạt trên 1.930 tỷ đồng, thì đến hết năm 2019, tổng giá trị sản lượng công nghiệp của huyện đạt trên 3.511,1 tỷ đồng tăng 1.581 tỷ đồng so với năm 2015.
Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 2.004,4 tỷ đồng; giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh (doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đạt 1.506,7 tỷ đồng…
Một số doanh nghiệp hoạt động có giá trị cao chiếm tỷ trọng lớn, như: Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, Công ty TNHH Daeseung Hàn Quốc (sản phẩm may xuất khẩu), Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai sản xuất đá xẻ nhân tạo, đá Blook, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Tây Bắc - sản xuất đá Blook, Công ty TNHH Đồng Tiến khai thác đá hộc xây dựng, sản xuất gạch xi măng không nung, Công ty TNHH Sơn Hà Hương sản xuất chế biến gỗ bóc, ép các loại, Công ty cổ phần Yên Thành chế biến gỗ bóc, ép, măng Bát độ…
Quý I năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid - 19, song giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện ước đạt 1.291,8 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 732,1 tỷ đồng; giá trị sản lượng công nghiệp (doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đạt 559,7 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng 23,4%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với năm 2015, vượt 45% mục tiêu nghị quyết đề ra... Phát triển CN-TTCN đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong giai đoạn tới, huyện Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển công nghiệp trên cơ sở vừa tiếp tục phát triển các ngành có quy mô lớn, chế biến sâu, vừa coi trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, gắn với phát triển TTCN và làng nghề.
Chú trọng thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực có thế mạnh của huyện như: chế biến nông, lâm sản, chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hỗ trợ lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện tử, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Yên Bình phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt từ 11.758 tỷ đồng trở lên.
Minh Hằng