Nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, gia tăng số lượng, sản lượng đàn vật nuôi, nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần để ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
Phát huy lợi thế về đất đai, kinh nghiệm trong chăn nuôi, hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Phiên, thôn Trực Bình, xã Minh Bảo gắn bó với mô hình phát triển nuôi lợn thương phẩm. Từ nguồn vốn tự có và vay mượn thêm, bà Phiên đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển mô hình trang trại nuôi lợn kết hợp.
Thời điểm chăn nuôi phát triển, bà Phiên thường duy trì quy mô trên 200 con, trừ chi phí đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Phát triển chăn nuôi thường bị tác động tiêu cực của dịch bệnh, giá cả biến động, nhưng gia đình bà vẫn kiên trì phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Bà Phiên cho hay: "Gia đình tôi cứ từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi và làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó. Có thời điểm, chăn nuôi gặp khó khăn như dịch bệnh, giá bán thấp nhưng tôi vẫn duy trì số lượng đàn lợn hợp lý. Giá lợn như hiện nay, đảm bảo sẽ có lãi suất khá”.
Những năm trước đây, ông Bùi Duy Hiển, thôn Yên Minh, xã Minh Bảo phát triển kinh tế gia đình với mô hình chăn nuôi lợn. Song, giá cả bấp bênh cộng với dịch bệnh phức tạp trên đàn lợn nên ông chuyển sang nuôi gà được hơn một năm nay.
Để chăn nuôi hiệu quả, ông Hiển đã tự học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, các loại bệnh gà hay mắc phải và cách phòng, tránh. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình 1.000 con gà/lứa, ông Hiển được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn xã đã chăn nuôi đúng quy trình, thường xuyên khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần, 10 ngày lại rắc vôi bột xung quanh chuồng.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin thị trường, tình hình dịch bệnh nên gia đình ông Hiển luôn chủ động trong chăn nuôi cũng như khâu xuất bán phù hợp từng thời điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hiển chia sẻ: "Trong chăn nuôi có nhiều rủi ro, nhưng gia đình tôi luôn được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo xã; cán bộ thú y thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, định hướng thị trường. Bản thân tôi cũng tích cực nắm bắt các thông tin có liên quan và cố gắng mở rộng quy mô chăn nuôi nâng cao thu nhập”.
Đến tháng 4/2020, thành phố Yên Bái có trên 21.000 con trâu, bò, lợn và gần 275.000 con gia cầm; sản lượng thịt hơi bán trên 2.200 tấn; sản lượng trứng trên 500.000 quả...
Để chủ động ngăn chặn các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là cúm gia cầm, lở mồm long móng ở trâu, bò; bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả, viêm phổi ở lợn, thành phố chỉ đạo phòng, đơn vị chuyên môn cùng UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền về nguy cơ phát sinh dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi, chủ động phòng chống, tiêm vắc - xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đối với các hộ chăn nuôi gia trại, thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi và thực hiện đúng các khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Cùng đó, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm, vệ sinh giết mổ, vệ sinh thú y, gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường cũng được tăng cường nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển; đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đăng Thuận - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: "Giai đoạn này, Phòng Kinh tế đang tích cực thực hiện tham mưu giúp UBND thành phố triển khai kịp thời nội dung Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid - 19. Đồng thời, khuyến khích nhân dân, các tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường”.
Thành phố Yên Bái đang đẩy nhanh tiến trình hướng đến một nền nông nghiệp phát triển mang tính bền vững. Để hạn chế rủi ro, đặc biệt là tránh việc sản xuất ồ ạt và hiện tượng được mùa rớt giá, được giá thì mất mùa, thành phố tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương đánh giá hiệu quả những đề án dự án đã triển khai; khuyến khích nông dân phát triển các mô hình sản xuất tương xứng với tiềm năng và có chất lượng, giá trị hàng hóa cao. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.
Ngọc Sơn