Đây là kết quả của việc liên kết, thành lập các tổ hợp tác trong sản xuất để vừa trao đổi kinh nghiệm, vừa xúc tiến tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị.
Theo con đường liên thôn, chúng tôi ra khu vực trồng cây ăn quả ở thôn Chanh, xã Phù Nham. Xen lẫn các cây nhãn, chanh leo là màu xanh bạt ngàn của những vườn bưởi da xanh, bưởi Diễn được quây chắc chắn bằng lưới B40.
Ông Phạm Quang Huyên - thành viên Tổ hợp tác trồng bưởi cho biết: "Chỗ này có khoảng 200 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn 6 năm tuổi được trồng xen lẫn với một số cây như: cóc, dâu, nhãn... Với năng suất 100 - 200 quả bưởi Diễn/cây và 40 - 50 quả bưởi da xanh/cây thì mỗi năm tôi thu được gần 100 triệu đồng”.
Được biết, trước đây toàn bộ khu vực này là ruộng lúa; sau đó, ông Huyên chuyển sang trồng màu rồi các loại cây khác nhưng giá cả bấp bênh, không hiệu quả. Năm 2014, ông chuyển sang trồng bưởi xen lẫn cây cóc, nhãn, dâu.
Thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên cây bưởi hay bị sâu, bệnh phá hoại, ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, nhờ tích cực học hỏi trên mạng, nhất là đầu năm 2019, ông tham gia Tổ hợp tác trồng bưởi, qua trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên giờ đây vườn bưởi cho quả đẹp, năng suất, chất lượng ổn định.
Ông Huyên cho biết thêm: "Việc tham gia Tổ hợp tác không chỉ giúp các thành viên nhắc nhở, giúp nhau cách bón phân, phun thuốc như thế nào mà còn tạo sự ổn định cho đầu ra, hạn chế tư thương ép giá và chủ động cung cấp cho các tỉnh, thành lớn”.
Sang thăm vườn chanh leo của ông Quách Văn Nguyện, thôn Chanh, Tổ trưởng Tổ trồng chanh leo Đài Nông 1, ông Nguyện cho biết: "Tổ hợp tác có 52 thành viên với diện tích 12 ha; trong đó, những hộ tham gia được tỉnh, huyện hỗ trợ cây giống, phân bón, giàn treo, hướng dẫn kỹ thuật. Trong đó, đầu ra của cây chanh leo được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký hợp đồng bao tiêu hàng năm”.
Được biết, ngay khi cây chanh leo Đài Nông 1 được đưa vào sản xuất, xã Phù Nham đã triển khai, vận động các hộ dân thành lập Tổ hợp tác để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật; đồng thời, thu mua, vận chuyển cho đơn vị bao tiêu sản phẩm. Với giá bao tiêu 10.000 đồng/kg và năng suất 1 tạ/gốc, bình quân mỗi năm cây chanh leo cho thu nhập 60 triệu đồng/1.000 m2.
Ngoài 2 mô hình liên kết trên, những tháng đầu năm 2020, xã Phù Nham đã triển khai xây dựng mô hình trồng cây rau lấy hạt liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Tân Lộc Phát thực hiện trên cây mướp đắng, dưa leo, bí với diện tích 3 ha tại các thôn: Cốc Cù, Năm Hăn, Ta Tỉu.
Hiện nay, xã Phù Nham có gần 20 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó, có 5 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả theo hướng liên kết chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các cây trồng giá trị cao gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lưu Minh Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Tham gia sản xuất, sinh hoạt trong các tổ hợp tác, các thành viên được chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh trường hợp tư thương ép giá. Qua đánh giá, một số diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao như: bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, dưa hấu, thanh long, táo… ở Phù Nham đã và đang đem lại nguồn thu nhập từ 250 triệu đồng/ha/năm trở lên, riêng bưởi da xanh, bưởi Diễn cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm”.
Liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi an toàn cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều mô hình tổ hợp tác ở xã Phù Nham đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân.
Tuy nhiên, số lượng tổ hợp tác hoạt động hiệu quả vẫn chiếm tỷ lệ thấp nên thời gian tới các cấp chính quyền địa phương cần kiện toàn, củng cố hoạt động của các tổ hợp tác này; đồng thời, triển khai các chương trình hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và phối hợp với các ngành chức năng tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đơn vị bao tiêu tận gốc các sản phẩm nông nghiệp…
Hùng Cường