Để bảo vệ thành quả sản xuất, ngành nông nghiệp, các địa phương chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực để kịp thời ngăn chặn sâu bệnh phát sinh.
Vụ đông xuân 2019 - 2020 diễn ra trong tình trạng khô hạn kéo dài, lượng mưa thấp, nhất là các huyện phía Tây của tỉnh nên ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng cạn cũng như cây lúa. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành nông nghiệp và sự nỗ lực của nông dân, toàn tỉnh vẫn đưa vào gieo cấy 19.588 ha lúa xuân, đạt 100,3% so với kế hoạch.
Cơ cấu giống lúa lai chiếm 50 - 55% chủ yếu các giống Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Thục hưng số 6, N.ưu 69, N.ưu 89, TH 3-3, Việt lai 20, CT 16, Nghi hương 2308, GS55, Thái xuyên 111, LY 2099; lúa thuần gồm các giống chủ lực: Hương chiêm, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Bắc hương 9, Bắc thơm số 7, ĐS1, J01, J02, Séng cù, Hà phát 3, BQ, Khang dân 18, DT66, HT1, DQ11, TBR225. Đến trung tuần tháng 5, toàn tỉnh thu hoạch được 1.565 ha lúa xuân tập trung ở cánh đồng Mường Lò và một số diện tích ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên.
Theo đánh giá sơ bộ của ngành nông nghiệp, năng suất lúa bình quân ước đạt 55,4 tạ/ha. Nhiều huyện có năng suất cao như thị xã Nghĩa Lộ 62 tạ/ha; Văn Chấn 57,85 tạ/ha; Lục Yên 57 tạ/ha; Văn Yên 55,4 tạ/ha. Sản lượng vụ xuân ước đạt 108.456 tấn, đạt 100,37% kế hoạch; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao như Séng cù, Hương chiêm, J01, J02, ĐS1 đạt trên 30.000 tấn.
Có được kết quả trên là nhờ ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm ngặt cơ cấu giống, lịch thời vụ; đồng thời, chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật bám sát diễn biến để sớm dự tính, dự báo nguy cơ các đối tượng sâu bệnh gây hại trên lúa xuân và kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả.
Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, sản lượng như dự kiến, yêu cầu hiện nay là các địa phương không chủ quan lơ là và cần tiếp tục phòng trừ sâu bệnh hại lúa, bởi hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 16.115 ha lúa xuân đang trong giai đoạn trỗ bông, chắc xanh, đỏ đuôi vẫn có nguy cơ bị mất mùa do sâu bệnh cuối vụ tấn công.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.216 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, 404 ha bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, 270 ha bị nhiễm bệnh bạc lá, 230 ha nhiễm bọ xít dài, 76 ha nhiễm sâu đục thân, 130 ha nhiễm đạo ôn lá.
Theo dự báo những ngày tới, các địa phương trong tỉnh sẽ có nhiều ngày mưa xen kẽ nắng nóng, trong khi chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho một số đối tượng sâu hại cuối vụ bùng phát.
Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ hè thu, ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: để bảo vệ thành quả sản xuất vụ đông xuân, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích các loại cây trồng hiện có. Đặc biệt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với lúa xuân cuối vụ nhằm hạn chế thấp nhất việc tụt giảm năng suất, sản lượng do sâu bệnh gây ra.
Trong đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương thời gian tới cần cảnh giác đặc biệt cảnh giác với bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh có nguy cơ tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống nhiễm, các diện tích lúa đã bị đạo ôn lá nặng giai đoạn trỗ - phơi màu. Đối với các diện tích lúa này, cần tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại.
Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng nếu không phòng trừ, có khả năng gây cháy ổ từ cuối tháng 5/2020 trở đi trên những diện tích có mật độ rầy cao, giống nhiễm và phòng trừ không kịp thời. Cùng đó, cần phòng trừ sâu đục thân bướm 2 chấm gây bông bạc trên trà lúa trỗ từ giữa tháng 5 trở đi.
Văn Thông