Yên Bái: Giữ rừng tận gốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2020 | 11:21:43 AM

YênBái - Với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng (BVR) và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý BVR và quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của cộng đồng khi tham gia BVR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã triển khai thí điểm mô hình giao khoán BVR và sử dụng tiền DVMTR cho cộng đồng dân cư tại thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn.

Các hộ gia đình tham gia biểu quyết bầu Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Giàng Cài.
Các hộ gia đình tham gia biểu quyết bầu Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Giàng Cài.

Hội nghị triển khai thí điểm mô hình giao khoán BVR và sử dụng tiền DVMTR cộng đồng được tổ chức tại thôn Giàng Cài vừa qua có sự tham gia của 150/168 hộ gia đình. 

Tại đây, các hộ gia đình đã được quán triệt một số nội dung trong công tác quản lý, BVR tại thôn, bản; phổ biến chính sách hưởng lợi của cộng đồng dân cư khi tham gia nhận khoán BVR theo quy định của Nhà nước; thống nhất thực hiện nhận khoán BVR đối với cộng đồng dân cư thôn Giàng Cài và bầu ra Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn và các tổ trưởng tổ BVR. Sau một hồi bàn bạc sôi nổi, hầu hết người dân đã thống nhất và lựa chọn ra được Ban Quản lý rừng và 3 tổ BVR là những người có uy tín, cộng đồng trách nhiệm cao. 

Ông Bàn Tiến Lâm - Trưởng thôn Giàng Cài được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn vui mừng chia sẻ: "Toàn thôn có 168 hộ, năm 2018 thôn có 3 nhóm được nhận khoán BVR và được nhận hơn 1,2 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR. Tiền DVMTR đã giúp người dân vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, số hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2019, toàn thôn còn 30 hộ nghèo, giảm 19 hộ so với năm 2018. Nay lại được lựa chọn làm thí điểm mô hình, sắp tới rừng được giao về cho cộng đồng thôn, chúng tôi được hướng dẫn cụ thể cách quản lý BVR và sử dụng tiền DVMTR tại thôn thiết thực, hiệu quả hơn, bà con ai ai cũng phấn khởi”.

Theo mô hình giao khoán BVR và sử dụng tiền DVMTR cộng đồng thì Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn có trách nhiệm ký hợp đồng nhận khoán BVR với UBND xã; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, lập kế hoạch chủ động tuần tra bảo vệ rừng. 

Các tổ BVR phải thường xuyên tuần tra, canh gác, kịp thời ngăn chặn sự phá hoại của con người xâm hại đến rừng như: lấn chiếm đất rừng, đốt nương làm lửa cháy lan vào rừng, tổ chức tốt việc phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là mùa khô hanh; khi phát hiện những hành vi vi phạm như: chặt phá rừng, cháy rừng, xâm lấn rừng, khai thác lâm sản phụ và sâu bệnh hại rừng phải kịp thời ngăn chặn; đồng thời, báo cáo ngay cho lực lượng kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương để xử lý. 

Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn phải đảm bảo sự nhất trí, công khai, minh bạch trong việc phân công tuần tra BVR và sử dụng tiền BVR trong nội bộ thôn theo quy định của thôn, bản, chính quyền địa phương.

Theo báo cáo của UBND xã Nậm Lành, toàn xã có hơn 7.000 ha đất có rừng, trong đó có hơn 4.000 ha rừng tự nhiên và gần 3.000 ha rừng trồng. Toàn xã có 781 hộ, trong đó dân tộc Dao chiếm gần 94%. Những năm trước đây, trình độ nhận thức của người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với sự tích cực tuyên truyền của cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ xã trong những năm gần đây xã không để xảy ra vụ cháy rừng, lấn chiếm đất rừng lớn. 

Bà Bàn Thị Náy - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: "Thực hiện thí điểm mô hình giao khoán BVR và sử dụng tiền DVMTR cộng đồng tại thôn Giàng Cài sẽ là một trong những hoạt động thiết thực giúp thôn quản lý BVR và sử dụng tiền DVMTR được tốt hơn, hiệu quả hơn. Mô hình này sẽ là cơ sở giao rừng cho cộng đồng theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp. Thời gian tới, UBND xã sẽ quan tâm, nhân rộng mô hình ra các thôn, bản khác nhằm nâng cao công tác quản lý BVR và sử dụng tiền DVMTR”.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái giữ rừng tận gốc nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng

Các tin khác

Thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã xây dựng nhiều đề án giúp nông hộ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, thúc đẩy đẩy hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Thủ thướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Các hộ dân nuôi tằm lớn ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên áp dụng hiệu quả kỹ thuật đưa tằm lên né ô vuông.

Năm 2020, Trấn Yên đề ra mục tiêu phát triển trồng mới 200 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 900 ha, sản lượng lá dâu đạt 20.124 tấn, sản lượng kén tằm đạt 1.000 tấn.

Dây chuyền sản xuất bột đá của Công ty cổ phần An Phú Inchistries.

Cùng 5 nhóm chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ứng phó với dịch Covid - 19 cùng 3 chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục