Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp chớp “thời cơ vàng”

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2020 | 8:10:53 AM

YênBái - Cùng 5 nhóm chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ứng phó với dịch Covid - 19 cùng 3 chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dây chuyền sản xuất bột đá của Công ty cổ phần An Phú Inchistries.
Dây chuyền sản xuất bột đá của Công ty cổ phần An Phú Inchistries.


Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Sau khi dịch bệnh được khống chế, đây được coi là "thời cơ vàng” để các DN chủ động phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD),  trong đó có sự tiếp sức mạnh mẽ từ các chinh sách hỗ trợ của tỉnh. 

Doanh nghiệp nỗ lực

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 đã tác động tiêu cực tới SXKD và đời sống của nhân dân, ảnh hưởng việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong muôn trùng khó khăn, cùng với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của tỉnh, các DN thể hiện bản lĩnh vượt khó chủ động tìm kiếm giải pháp "tự cứu mình”. 

Công ty cổ phần An Tiến Industries - thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings được thành lập năm 2009 tại Khu Công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái. Công ty đang SXKD 2 sản phẩm chính là bột đá và các sản phẩm chất lượng nhựa với doanh số năm 2019 khoảng 680 tỷ đồng; trong đó, 70% doanh số đến từ xuất khẩu, 30% từ thị trường nội địa. 

Bình quân mỗi tháng Công ty xuất khẩu trên 10.000 tấn sản phẩm, tương đương 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 nên khoảng 2 tháng gần đây, việc xuất khẩu của Công ty gặp không ít khó khăn. 

Ông Đoàn Minh Đức - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Để tồn tại và vượt qua bão dịch, chúng tôi phải tái cơ cấu hoàn toàn chiến lược kinh doanh và hiện tại tất cả các chiến lược kinh doanh chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu của Công ty sẽ được cập nhật theo tình hình dịch bệnh của từng quốc gia và kịp thời thay đổi chính sách, chiến lược. Công ty cũng có những chính sách quyết liệt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh bằng cách tiết giảm mọi chi phí có thể, tất nhiên là không tiết giảm phần lương của công nhân. Nhờ đó, trong quý I, Công ty vẫn vượt 20% kế hoạch đề ra. 

Hiện, Công ty vẫn cố gắng hoạt động tối đa 80% sản lượng, nhưng chắc chắn giai đoạn tới khó khăn mới chỉ bắt đầu”. 

Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng có trụ sở ở thôn Đồng Quýt, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. 

Trong quý I, sản lượng sản xuất đã sụt giảm đáng kể; trong đó, gạch thành phẩm giảm 1,1 triệu viên, doanh thu cũng giảm khoảng 1,1 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, công nhân phải nghỉ việc, cộng thêm thiệt hại do dông lốc, mưa đá xảy ra cuối tháng 4 đã làm nhà xưởng, lò, kho... cùng hơn 1 triệu viên gạch mộc bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng. Xốc lại sau dịch, lại đang thời điểm nhu cầu vật liệu phục vụ xây dựng cao, nên Công ty tập trung huy động nguồn lực để khắc phục thiệt hại sớm đưa dây chuyền vào sản xuất. 

Ông Trần Mạnh Hưng - Giám đốc Công ty cho biết: "Công ty không chỉ gặp khó từ dịch bệnh Covid - 19 mà còn bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Để khắc phục lại hệ thống nhà máy cần rất nhiều vốn, nhiều thời gian. DN hiện nay vẫn rất tích cực, cố gắng bằng huy động mọi nguồn lực tại chỗ cũng như nguồn vốn hiện có để khắc phục nhanh chóng đưa nhà máy hoạt động trở lại bình thường”.  

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Chủ động đối phó sau dịch, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Tại đây, các DN, HTX thẳng thắn đưa ra những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất với tỉnh những vấn đề như: hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn thuế, miễn tiền chậm nộp thuế; gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, hỗ trợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho lao động, chậm nộp BHXH; giảm giá điện, giảm tiền điện, thủ tục thông quan, thanh toán điện tử. 

Ông Nguyễn Thanh Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết: "Mong muốn lớn nhất của Công ty là hạn mức vay ngân hàng. Đề nghị các ngân hàng quan tâm tháo gỡ nâng hạn mức vay cho các đơn vị sản xuất chè, bởi các đơn vị này mang tính chất thời vụ, trong khi sản phẩm tồn kho nhiều, việc tiêu thụ chè gặp nhiều khó khăn”.

Chia sẻ tiếng nói của DN, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, ông Trần Công Bình cho rằng: "Chính sách của Chính phủ, của tỉnh rất cởi mở, kịp thời cụ thể, nhân văn. Những khó khăn của DN là rất lớn. Mong muốn được tiếp cận nhanh nhất các nguồn lực hỗ trợ từ phía Nhà nước, của tỉnh. Do đó, đề nghị nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía lãnh đạo tỉnh, các địa phương, các sở, ban, ngành chức năng quyết liệt, khẩn trương đồng hành phục vụ DN trên tinh thần "cứu DN như cứu bạn”.

Đồng thuận trách nhiệm, hợp tác và chia sẻ, nhất là việc hỗ trợ DN, người dân hướng dẫn tư vấn hoàn thiện hồ sơ để được thụ hưởng nhanh và hiệu quả nhất các nguồn lực từ tỉnh và Chính phủ”. 

Cùng quan điểm trên, ông Đoàn Minh Đức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An Tiến Industries cho rằng: "Để DN bứt phá nhanh nhất, cần phải hỗ trợ, hỗ trợ sớm, sớm hơn những gì chúng ta đang định. Tôi hy vọng, UBND tỉnh đưa ra những quyết sách quyết liệt và ngay lập tức, đặc biệt là liên quan đến hỗ trợ về tài chính. Tất cả những vấn đề liên quan đến giảm và kéo dài hạn thanh toán các loại chi phí như: tiền điện, bảo hiểm xã hội, giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ vay ngân hàng với lãi suất thấp hơn... đều phải được hỗ trợ nhanh nhất để các công ty có thể chủ động hơn trong tất cả các chính sách của mình”. 

Chính quyền đồng hành

Thời gian qua, với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành, tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn nhằm duy trì ổn định kinh tế - xã hội địa phương. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Toàn cho biết: cùng với 5 nhóm chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 ứng phó với dịch Covid - 19; chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch Covid -19; chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025; chính sách khuyến khích đầu tư và lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Các sở, ngành cũng luôn đồng hành với DN, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tiền tệ, tín dụng để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn; ngành BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật… 

Cùng đó, tỉnh chỉ đạo các ngành đơn giản hóa quy trình, rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho DN, người dân trong triển khai các dự án, SXKD, tiêu thụ sản phẩm. 

Nhờ đó, 4 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng; một số chỉ tiêu chủ yếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.367 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch, tăng 0,76% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.542 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch; giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 46,4 triệu USD, bằng 22,1% kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 840 tỷ đồng, bằng 25% dự toán, tăng 8,6% so với cùng kỳ); tổng vốn đầu tư phát triển đạt 3.429 tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ. 

Nỗ lực vượt khó, kiên định mục tiêu tăng trưởng, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, gia tăng giá trị các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù đắp cho các lĩnh vực bị suy giảm, mở rộng quy mô, phát huy tối đa công suất các ngành hành, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch; tập trung triển khai các dự án đầu tư công, cũng như thúc đẩy đầu tư tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Cùng đó, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng tác động của dịch Covid - 19 theo các nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương và các chính sách của tỉnh; thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo thuận lợi cho DN, người dân trong triển khai các dự án, SXKD, tiêu thụ sản phẩm; tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung triển khai các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ DN; hướng dẫn cho các DN, hộ kinh doanh làm hồ sơ đề nghị miễn giảm, giãn thời gian nộp thuế; hỗ trợ miễn tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid -19; tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho các DN khó khăn, triển khai các gói vay mới với mức lãi suất hỗ trợ. 

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thông qua các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự chủ động, quyết tâm của DN, tin rằng, những khó khăn do tác động của dịch Covid - 19 sẽ nhanh chóng được khắc phục, SXKD của DN nhanh chóng ổn định và phát triển.

KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI ĐÁP

- Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm hướng dẫn thủ tục hỗ trợ cho các HTX, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; đề nghị tỉnh xem xét nâng vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ HTX tỉnh từ 5 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng và bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh để có thêm nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho các HTX; có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước, hỗ trợ phát triển thị trường nội bộ  giữa các DN, HTX, HTX với HTX và Hiệp hội DN trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu.

- Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hành Nhà nước Chi nhánh Yên Bái: 

Tính đến 25/4, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tháo gỡ khó khăn cho 4.928 khách hàng với dư nợ 1.842 tỷ đồng; trong đó, có 207 DN với số dư nợ 1.201 tỷ đồng; đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và dịch vụ liên quan để đồng hành, hỗ trợ khách hàng các giải pháp ổn định SXKD. Thời gian tới, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, HTX chủ hộ kinh doanh cá thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí dịch vụ; tiết giảm chi phí hoạt động để có nguồn kinh phí hỗ trợ khách hàng, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 gây ra để ổn định và phát triển sản xuất.

- Ông Trần Mạnh Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng: 

Đề nghị các cấp chính quyền cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ về vấn đề tạm dừng Quỹ BHXH cho người lao động vài tháng; đối với DN nợ ngân hàng cần được giãn nợ hoặc giảm lãi suất cho vay để DN khắc phục khó khăn”.

- Ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc BHXH tỉnh: 

BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người lao động gặp khó khăn; trong đó, triển khai kịp thời chính sách tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Tính đến 25/4, BHXH đã giải quyết cho 14 đơn vị đủ điều kiện được BHXH tỉnh tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số lao động là 848 người. 

Để tiếp tục hỗ trợ DN, người lao động, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương phổ biến tuyên truyền chính sách hỗ trợ đến DN bị ảnh hưởng bởi dịch; tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH huyện, thị xã kịp thời tiếp nhận hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của DN; tạm dừng việc thanh tra chuyên ngành việc đóng hoặc kiểm tra theo kế hoạch việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch gây ra, nếu DN không có dấu hiệu vi phạm.

Văn Thông

Tags Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp thời cơ vàng

Các tin khác
Ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid - 19 sẽ thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua 10 nghị quyết, trong đó, có các nghị quyết ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu; kịp thời giúp các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh ứng phó với dịch bệnh Covid - 19.

Quầy giao dịch Agribank.

Ngày 25-5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tính đến ngày 18-5, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, hạ lãi suất theo Thông tư 01 là 43.069 tỷ đồng cho 29 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính ban hành 3 Thông tư giảm phí, lệ phí 50% với lĩnh vực xuất bản, kinh doanh hàng hóa, cấp Giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa và đăng ký sử dụng mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp.​

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, Luật Đất đai không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân, tổ chức nước ngoài. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Luật Đất đai quy định chặt chẽ về vấn đề liên quan đến đất đai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục