Trong đó, tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo mối liên kết kinh tế theo chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là đề án trồng dâu nuôi tằm được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện. Sau 2 năm triển khai, bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Tại xã Sơn Lương, khi bắt đầu thực hiện đề án, xã đã trồng thử nghiệm 1 ha và đến nay mở rộng diện tích lên trên 12 ha. Vụ đầu nuôi tằm, đã mang về cho nông dân 72 triệu đồng; trung bình mỗi héc - ta dâu cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô.
Là hộ đầu tiên tham gia đề án, anh Đàm Minh Xuân, thôn Tành Hanh chuyển đổi 1.000m vuông đất soi bãi sang trồng dâu. Năm 2019, anh nuôi được 3 lứa tằm, thu được gần 10 triệu đồng. Thấy trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao, gia đình anh tiếp tục chuyển đổi thêm 1.000 m vuông đất sang trồng dâu.
Anh Xuân chia sẻ: "Trồng dâu nuôi tằm, chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật hướng dẫn và chủ động phòng dịch bệnh kịp thời là tằm phát triển tốt, thu nhập cao. Do đó, tôi quyết định mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm”.
Hiện, xã Sơn Lương triển khai trồng mới 50 ha dâu đến tất cả các thôn và chủ yếu là trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả. Hiện, 12 ha dâu trồng từ đầu năm 2019 đã mang lại hiệu quả kinh tế nên xã xác định đây là cây trồng mũi nhọn.
Anh Lò Văn Tâm ở thôn Bồ, xã Chấn Thịnh cũng đưa dâu tằm về trồng thay thế một số cây trồng kém hiệu quả. Sau thời gian ngắn, cây dâu, con tằm đã cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác và anh quyết định chuyển toàn bộ đất sản xuất lúa sang trồng dâu nuôi tằm và anh Tâm hiện có 5.500 m2 dâu tằm.
Từ khi chuyển diện tích đất sản xuất sang trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng. Năm nay, anh tiếp tục chuyển đổi 2.000 m2 đất sản xuất sang trồng dâu nuôi tằm. Ngoài được hỗ trợ giống, anh còn được tham gia các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật phát triển cây dâu và thu kén.
Thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm, xã Chấn Thịnh tích cực tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi đất bãi, đất ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, xã có trên 45 ha dâu với 154 hộ làm nghề dâu tằm. Dự kiến năm 2020, xã tiếp tục vận động trồng thêm từ 15 đến 30 ha dâu và hiện trồng được 8 ha.
Được biết, năm 2019, sản lượng kén tằm của xã Chấn Thịnh đạt trên 7 tấn, với giá bán từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, đem lại cho nguồn thu trên 700 triệu đồng. Xã dự kiến đến năm 2025 có 100 ha dâu và đưa nghề dâu tằm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thực hiện Đề án trồng dâu nuôi tằm của tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, huyện Văn Chấn đã quy hoạch quỹ đất để phát triển cây dâu tằm; trong đó, năm 2019 và 2020 quy hoạch được 124 ha đất soi bãi và trên 110 ha đất trồng màu kém hiệu quả; giai đoạn 2020 - 2025, huyện tiếp tục quy hoạch để phát triển khoảng 250 ha.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án, huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho những hộ tham gia. Trên cơ sở đó, các hộ tham gia đề án được hỗ trợ xây dựng nhà nuôi tằm, cây giống, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật…
Bên cạnh đó, huyện thành lập 27 tổ hợp tác và 2 hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm Việt Nam ký kết bao tiêu sản phẩm kén cho nông dân. Hiện nay, huyện có gần 70 ha dâu; trong đó, trên 10 ha được thu hoạch. Năm 2019, sản lượng kén đạt gần 8 tấn, giá trị đạt trên 740 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Năm 2019 và 2020, huyện chỉ đạo nông dân trồng 100 ha dâu; liên kết với một số đơn vị để bao tiêu sản phẩm cho nông dân; phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Tằm tơ thực hiện dự án của Hàn Quốc về trồng dâu nuôi tằm với chính sách hỗ trợ các hộ dân phát triển vùng dâu, nuôi tằm của huyện như các xã: Chấn Thịnh, Đồng Khê, thị trấn Sơn Thịnh…
Từ hiệu quả bước đầu của đề án, huyện phấn đấu thời gian tới, mỗi năm trồng mới 100 ha để nghề dâu tằm thực sự trở thành nghề xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.
Chí Sinh