Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh nhằm tạo ra các sản phẩm có năng suất, giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, các đề án TCCNNN như: phát triển chăn nuôi, phát triển chè Shan vùng cao, phát triển cây sơn tra... huyện Trạm Tấu đã thực hiện đạt kết quả đáng khích lệ; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề án TCCNNN được triển khai kịp thời.
Cùng đó, huyện còn ban hành một số kế hoạch về phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là trên đất không đủ nước tưới, đất sản xuất kém hiệu quả, phòng chống dịch bệnh...
Công tác hỗ trợ sản xuất vùng khó khăn được thực hiện kịp thời với gần 8.000 kg nilon che mạ, trên 70.000 kg lúa giống, trên 50.000 kg ngô giống. Đối với chăn nuôi, huyện đã triển khai thực hiện 5 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên/cơ sở tại các xã: Bản Mù, Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau; 2 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp với quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt trở lên/cơ sở ở xã Hát Lừu.
Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Thực hiện Đề án TCCNNN, năm 2019, xã duy trì hoạt động hiệu quả 2 hợp tác xã; xây dựng 2 cơ sở chăn nuôi 5 lợn nái, 50 lợn thịt trở lên; 2 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con trở lên/lứa; thành lập 10 tổ hợp tác sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, sản xuất của địa phương có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Hết năm 2019, bình quân thu nhập đạt 33 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm dưới 11%. Năm 2020, xã tiếp tục thành lập thêm 6 tổ hợp tác chăn nuôi lợn, gà, cá và 1 cơ sở 5 lợn nái, trên 50 lợn thịt”.
Là một trong những hộ thực hiện hiệu quả đề án TCCNNN ở địa phương, bà Lò Thị Pình ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu chia sẻ: "Năm 2018, giá lợn hơi bấp bênh, đầu năm 2019 lại thêm dịch bệnh nên tôi cũng nản lòng. Song, nhờ sự động viên của chính quyền xã, tôi tập trung phòng chống dịch bệnh tốt, duy trì mô hình 5 lợn nái và 50 lợn thịt. Cuối năm 2019, lợn tăng giá, tôi bán đàn lợn được trăm triệu đồng và có thêm động lực để tiếp tục đầu tư chăn nuôi”.
Trong đề án trồng chè Shan, năm 2019, Trạm Tấu đã triển khai trồng 80 ha, với 40 ha ở các xã: Pá Hu, Bản Mù, Bản Công do Nhà nước hỗ trợ và 40 ha ở xã Phình Hồ do doanh nghiệp thu mua hỗ trợ. Đề án cây sơn tra, thực hiện được trên 360 ha, kết hợp trồng hàng trăm héc - ta rừng phòng hộ, rừng thay thế khác, góp phần tăng độ che phủ chống xói mòn, sạt lở, lũ quét...
Ngoài các đề án lớn, năm 2019, các xã, thị trấn trên địa bàn cũng triển khai 10 mô hình trồng lúa đặc sản, khoai sọ, dưa bở, chanh leo, măng sặt, rau, củ, quả, cùng với 14 mô hình nuôi dê sinh sản ở xã Trạm Tấu, hơn chục mô hình nuôi gà đen đặc sản, góp phần nâng tổng đàn gà đen toàn huyện lên trên 42.000 con.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2020 huyện Trạm Tấu tiếp tục triển khai thực hiện 3 đề án chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con/cơ sở và 2 đề án chăn nuôi lợn kết hợp với quy mô 5 lợn nái và 50 lợn thịt/cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ở các xã bị dịch tích cực tái đàn lợn, nuôi thay thế bằng dê, duy trì tổng đàn vật nuôi...
Thực hiện tốt việc chăm sóc diện tích chè Shan, sơn tra đã trồng được và tiếp tục chuyển đổi diện tích, giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Châu Á