Để đạt mục tiêu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu và logistic của thương mại nông sản toàn cầu, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương các nhiệm vụ sau:
Cụ thể:
1/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã được ban hành trước đây để tích hợp vào quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời nhằm khôi phục lại các hoạt động sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19, chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Khẩn trương xây dựng các đề án phát triển 03 ngành chế biến nông sản để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: Rau, củ, quả, thủy, hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm nay; đẩy mạnh công suất các nhà máy chế biến gắn với các vùng nguyên liệu tập trung để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Xây dựng Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Trình Thủ tướng ban hành trong Quý 4 năm nay.
2. Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu: Triển khai các giải pháp đảm bảo nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, mở rộng kênh phân phối thị trường trong nước đối với hàng hóa chế biến nông sản, phát triển thương mại điện tử, triển khai các giải pháp đồng bộ để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Ưu tiên phát triển các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2017 - 2025.
Thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm, tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản.
Xây dựng Đề án phát triển Logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp Doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm.
3. Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng yêu cầu: Tập trung, ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản đối với các ngành hàng nông sản. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về năng lực của ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Triển khai thực hiện Chương trình đầu tư công hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.
5. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ: Cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp triển khai đề án phát triển 03 ngành chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ . Triển khai hiệu quả Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.
6. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất, chế biến tập trung.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng yêu cầu:
Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các dự án đầu tư vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
8. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp như lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
9. Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Xây dựng các Chương trình, đề án trọng điểm phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và thúc đẩy công nghiệp chế biến phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương.
(Theo VOV)