Cơ cấu trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục theo hướng hiện đại, phát triển theo chiều sâu, gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Ông Nguyễn Minh Chung - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết: những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN - TTCN; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tích cực hỗ trợ sản xuất; tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổng hợp những khó khăn vướng mắc, đề xuất, tham mưu các giải pháp tháo gỡ; đẩy mạnh thông tin, dự báo thị trường, định hướng kịp thời để khai thác tối đa năng lực sản xuất của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời, thực hiện các giải pháp về tài chính, trợ giúp doanh nghiệp.
Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Văn Yên đã thu hút 48 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 761 cơ sở sản xuất CN - TTCN; trong đó, trên 80% là cơ sở chế biến nông, lâm sản. Các doanh nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho 3.600 lao động; đặc biệt, với thế mạnh có trên 40.000 ha quế; trước đây, chủ yếu khai thác quế vỏ và chưng cất tinh dầu quế thì nay đã có tới trên 50 sản phẩm TTCN được sản xuất từ cây quế.
Các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị sản phẩm. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bính Hằng ở thôn Đoàn kết xã Mậu Đông chuyên chế biến các sản phẩm từ quế, hoa hồi, thảo quả xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
Bà Nguyễn Thị Bái - Quản lý Công ty cho biết: trong quá trình hoạt động, Công ty luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Nhờ đó, trung bình mỗi năm Công ty xuất khẩu gần 300 tấn sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức lương hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Huyện Văn Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 2.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,2%/năm.
Để đạt mục tiêu này, huyện sẽ tận dụng lợi thế của địa phương để thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản, chế biến khoáng sản, công nghiệp phụ trợ, các dự án tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Trong đó, huyện sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại để chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ quế (tinh dầu quế, vỏ quế) thành các sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, than sinh học, hàng thủ công mỹ nghệ... đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp; thu hút các dự án chế biến gỗ rừng trồng, gỗ quế tạo ra sản phẩm gỗ thành phẩm, bán thành phẩm xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đồng bộ công nghệ tiên tiến trong khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản như: đất hiếm, Graphit, quặng sắt, vật liệu xây dựng...
Hình thành hệ thống các nhà máy sơ chế khoáng sản, nông sản nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, nhất khu công nghiệp dự kiến được đầu tư với quy mô khoảng 2.000 ha bên hữu ngạn sông Hồng kết nối với nút giao IC13, IC14 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Nguyễn Văn