Cuối tháng 5/2019, đàn lợn của gia đình bà Đào Thị Mai ở tổ dân phố 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cả đàn 15 con lợn thịt và 2 lợn nái bị buộc phải tiêu hủy.
Sau một thời gian bỏ trống chuồng trại và chuyển sang nuôi gia cầm, mới đây nhận thấy giá thịt lợn tăng cao bà Mai đã mua 3 con lợn giống về nuôi. Tuy nhiên, bà cũng chỉ dám nuôi dè dặt với số lượng ít vì lo sợ chuồng trại chưa được bảo đảm về vệ sinh phòng dịch. Mặt khác, thời điểm này giá lợn giống quá cao, gia đình bà Mai chưa đủ điều kiện để mua nhiều.
Bà Đào Thị Mai cho biết: "Giá lợn giống cao quá, tôi không đủ vốn nuôi nhiều. Nếu đi vay để đầu tư tái đàn thì sợ nhiều rủi do như: dịch tái bùng phát hoặc giá lợn xuống thấp thì sẽ thiệt hại lớn”. Cũng như nhà bà Mai, gia đình bà Trần Kim Liên ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành có đàn lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi vào tháng 9/2019.
Đàn lợn hơn 40 con lợn thịt và 4 lợn nái phải tiêu hủy. Gia đình bà Liên trước đây thường xuyên nuôi lợn với quy mô hơn 100 lợn thịt/lứa, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Sau dịch, 16 ô chuồng rắc vôi bỏ trống. Mới đây, gia đình bà vừa quyết định mua 2 con lợn giống của một hộ cùng xã về tái đàn.
Bà Liên chia sẻ: "Hai con lợn giống này mua hết 5 triệu đồng, mỗi con có trọng lượng khoảng 10kg. Do giá lợn giống quá cao, cộng với tâm lý lo sợ dịch có thể tái phát nên gia đình tôi chỉ dám đầu tư nuôi thăm dò và sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, chăn nuôi ổn định, gia đình mới tiếp tục tăng đàn”.
Giá thịt lợn hơi tăng cao chính là động lực thúc đẩy người chăn nuôi đầu tư tăng đàn. Tuy nhiên, người chăn nuôi muốn tái đàn cũng không phải chuyện dễ khi lợn giống đang rất khan hiếm. Trong khi đó, các trang trại, gia trại nuôi lợn giống trên địa bàn huyện hầu hết đều bị ảnh hưởng năng nề do đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa qua.
Hiện nay, trên thị trường, giá lợn giống dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/con (khoảng 6 - 10kg) và có nơi lên đến hơn 3 triệu đồng/con. Song, dù có tiền, các hộ chăn nuôi muốn mua được lợn giống cũng là cả một vấn đề.
Anh Nguyễn Văn Thắng - chủ một trang trại nuôi lợn giống ở xã Y Can chia sẻ: Trước đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình tôi luôn có từ 60 - 70 đầu lợn nái và trên 500 đầu lợn thịt. Số lợn giống không những đảm bảo cho trang trại của gia đình nuôi ổn định đầu đàn mà còn cung ứng cho nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trong và ngoài địa phương. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên toàn bộ đàn lợn nái đã bị tiêu hủy. Trong khi đó, để nuôi một con lợn nái cũng cần có thời gian từ 1 năm trở lên.
"Với một cơ sở chăn nuôi lớn thì việc tìm lợn giống tái đàn là bài toán khó, còn đối với các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ thì càng không thể tìm được nguồn lợn giống đảm bảo chất lượng” - anh Thắng nói.
Thời điểm này, giá thịt lợn luôn ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Tại chợ Trung tâm huyện Trấn Yên, giá thịt lợn dao động từ 140.000 đồng - 170.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Hòa - người bán thịt lợn tại chợ cho biết: "Bây giờ giá thịt lợn hơi rất cao, chúng tôi phải thu mua với giá từ 93.000 đồng - 97.000 đồng/kg; tuy nhiên, nguồn hàng cũng rất khan hiếm vì sau dịch các hộ chăn nuôi để trống chuồng nhiều. Vì vậy, giá thịt lợn đến với người tiêu dùng cũng khó có thể hạ trong thời gian tới”.
Do bệnh dịch tả lợn châu Phi, tại huyện Trấn Yên tổng số lợn tiêu hủy là 7.277 con của 1.154 hộ dân, với trọng lượng hơn 300 tấn; kinh phí tiêu hủy lợn gần 9 tỷ đồng; tổng đầu đàn lợn trên địa bàn huyện giảm mạnh.
Nếu như thời điểm tháng 4/2019, tổng đầu đàn lợn của huyện là gần 46.700 con; trên địa bàn có 243 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô hàng hóa thì đến tháng 4/2020, tổng đầu đàn lợn của huyện có hơn 36.100 con và chỉ còn hơn 120 cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa hoạt động. Hàng loạt trang trại, gia trại bỏ trống do khó khăn trong việc tái đàn.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, giá thịt lợn trên thị trường tăng cao nên phần lớn người chăn nuôi đều muốn tái đàn để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, công tác triển khai tái đàn đang gặp nhiều khó khăn, tiến độ rất chậm.
Hoạt động tái đàn chủ yếu diễn ra tại các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ thì dè dặt tái đàn theo kiểu thăm dò. Một số hộ chăn nuôi quy mô hàng hóa thì khó khăn trong việc tìm con giống, giá thức ăn chăn nuôi cao và đặc biệt là lo lắng tái dịch…
Bà Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: huyện xác định mục tiêu chủ động tái đàn lợn nhưng vừa phải đảm bảo chống tái dịch. Tiếp tục duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, ổn định phát triển chăn nuôi lợn và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bà Trần Kim Liên, thôn Trúc Đình, xã Việt Thành thận trọng tái đàn lợn sau hơn nửa năm bỏ trống chuồng trại.
Mặt khác, chăn nuôi lợn khi bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn là hết sức khó khăn do đặc thù của bệnh không có vắc - xin, chưa có thuốc chữa, đường lây truyền đa dạng dịch có thể tái phát lại bất kỳ lúc nào. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn sản xuất để đạt được hiệu quả, đảm bảo bù đắp được những thiếu hụt cho chăn nuôi trong thời gian tới.
Đối với việc tái đàn, ngành nông nghiệp chỉ khuyến khích nuôi mới, tái đàn đối với các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Cơ sở chăn nuôi phải định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào khu vực chăn nuôi.
Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang hướng dẫn các địa phương, nông dân tăng cường các biện pháp phòng dịch, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tái đàn; khuyến khích sử dụng con giống tại địa phương hoặc mua ở ngoài thì phải bảo đảm nguồn con giống sạch, có xuất xứ rõ ràng; không mua con giống trôi nổi trên thị trường.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Trấn Yên, có 3 việc người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý: Một là, con giống cần lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Hai là, tiêu độc khử trùng chuồng trại kỹ lưỡng, nhất là những cơ sở chăn nuôi đã từng nhiễm dịch bệnh. Ba là, hạn chế tối đa người ra vào khu vực chăn nuôi để tránh mang nguồn bệnh từ ngoài vào.
Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn nhằm khôi phục đàn lợn, góp phần ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn; hướng dẫn các gia trại, trang trại tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng và kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Anh Dũng