Yên Bái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2025 | 8:07:09 AM

YênBái - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (CĐS) để bắt kịp và thích nghi với nền kinh tế số. Các chính sách này không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Viettel Yên Bái ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt.
Viettel Yên Bái ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt.


Thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, CĐS trong hoạt động kinh doanh như việc thiết kế tour, tuyến, quảng bá du lịch… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. 

Đặc biệt năm 2024, Công ty Hưng Việt đã ký hợp tác CĐS với Viettel Yên Bái. Hai bên đã thống nhất ưu tiên triển khai thực hiện CĐS ở một số nội dung như: hóa đơn điện tử, chữ ký số điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, hợp đồng điện tử; marketing điện tử; hệ thống giám sát phương tiện vận tải; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc; hệ thống họp trực tuyến qua thiết bị di động thông minh… 

Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt cho biết: "Thông qua chương trình ký kết góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Công ty trong thời đại số, gia tăng giá trị kinh tế số. Chúng tôi rất yên tâm khi được Viettel cung cấp các dịch vụ CĐS, được sử dụng thành tựu công nghệ mới nhất để ứng dụng vào công việc nhất là lĩnh vực truyền thông. Sự hỗ trợ từ công nghệ số giúp chúng tôi dễ dàng mở rộng phạm vi quảng bá, mang hình ảnh du lịch Yên Bình đến gần hơn với du khách quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh quảng bá dịch vụ qua các nền tảng trực tuyến như: Facebook, Zalo và website, giúp tiếp cận lượng khách hàng lớn hơn”. 

Bà Bùi Thị Sửu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: "Mặc dù công cuộc CĐS trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể, song hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn, rào cản chung đó là nhận thức, kiến thức, kỹ năng số... Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp quan tâm bố trí kinh phí dành cho CĐS còn khiêm tốn, hạn chế”. 

Về vấn đề này, ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện Chiến lược CĐS cho rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS còn hạn chế, nó không nằm ở chi phí mà nằm ở khoảng đầu tư. "Viện CĐS sẽ lên phương án hỗ trợ việc đào tạo cho các doanh nghiệp về CĐS và tiếp cận được nguồn vốn CĐS. Các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao nhận thức của nội bộ mình về tầm quan trọng của CĐS trong thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả” - ông Giang nhấn mạnh. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.450 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhằm phổ biến, chuyển đổi nhận thức về kinh tế số, CĐS trong doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Đồng thời xây dựng, phát triển, nâng cấp các hệ thống phần mềm hiện có để khai thác, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ, tiện ích chung của tỉnh. Trong đó, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo đơn vị; ứng dụng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ; trong công tác quản lý, theo dõi khách hàng…

Theo đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia CĐS, đồng thời bảo đảm an ninh thông tin. Tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, Internet tốc độ cao và điện toán đám mây nhằm bảo đảm các doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp số một cách hiệu quả. 

Cùng với đó, các chương trình đào tạo và tư vấn về an ninh thông tin đã được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận thức được tầm quan trọng của bảo mật và cách bảo vệ dữ liệu. 

Tỉnh cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử như: các doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyến khích xây dựng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm; tổ chức các hội chợ thương mại điện tử để kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. 

Ngoài ra, thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, Yên Bái đã giới thiệu và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường nước ngoài. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã tham gia sử dụng dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử; áp dụng phương thức kinh doanh thông qua hoạt động điện tử, thương mại điện tử ở các cấp độ khác nhau. 100%  doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền về chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS; trên 2.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã được tham gia tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về CĐS... 

Nhờ vào các chính sách hỗ trợ CĐS, tỉnh Yên Bái đã và đang xây dựng nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương có thể ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số. Các doanh nghiệp tại Yên Bái cần tiếp tục tận dụng các cơ hội, chính sách hỗ trợ để phát triển và không ngừng sáng tạo. Sự chủ động và đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái doanh nghiệp chính sách kinh tế số kinh doanh chuyển đổi số

Các tin khác
Bộ phận Phục vụ hành chính công phường Pú Trạng giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ, cùng những nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ. Những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên lấy thông tin người bệnh qua quét mã QR trên căn cước công dân.

Cùng với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên xác định đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, KCB, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Ảnh minh hoạ.

Mức độ chuyển đổi số của các Sở, các Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ được đánh giá công khai trên các cổng thông tin điện tử.

Sự phát triển của truyền thông xã hội và công nghệ đã thay đổi cách tiêu thụ tin tức của người dùng. Để tồn tại, báo không còn chỉ là nơi đưa tin tức đơn thuần, mà có thể phải “tái cấu trúc” và “tái cơ cấu” để trở nên “đa dịch vụ” hơn. Đó cũng chính là một cách để báo chí có thể tiếp tục phục vụ cho chính sứ mệnh truyền thống của mình là đưa tin, đưa sự thật đến công chúng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục