Những ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở Lâm trường chỉ là những gian nhà tranh, đơn sơ tự làm với trên 20 cán bộ công nhân viên, chủ yếu là người dân từ các tỉnh miền xuôi như Thái Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… lên lập nghiệp, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khí hậu khắc nhiệt và chưa hiểu về phong tục, tập quán, chưa biết tiếng để giao tiếp với người dân địa phương. Vì vậy, nhiều người lên Lâm trường lại bỏ về quê sinh sống.
Thời kỳ này, việc trồng rừng do công nhân Lâm trường thực hiện, chưa có sự tham gia của người dân, trong khi đó từ quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm đến nguồn giống đều thiếu. Bởi vậy, công tác trồng rừng theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao của Lâm trường gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng rừng hàng năm đạt thấp.
Để khắc phục khó khăn, tồn tại, lãnh đạo Lâm trường đã tuyển đồng bào địa phương vào làm công nhân trồng rừng và huy động công nhân sang huyện Mường La, tỉnh Sơn La thu hái quả thông về lấy hạt làm giống.
Với tinh thần tất cả cho tuyền tuyến, công nhân Lâm trường thời ấy tự tìm đất khai hoang ruộng nước, trồng cây lương thực để cải thiện đời sống và tuyên truyền, vận động đồng bào vào lâm trường, tăng gia sản xuất, định canh, định cư, ổn định cuộc sống.
Từ sự nỗ lực ấy, hai bản người Mông đầu tiên là Mí Háng Tâu, Nả Háng Tâu rồi người trong các bản khác của xã Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn cũng lần lượt vào Lâm trường trồng rừng. Vì vậy, mặc dù khó khăn, thiếu thốn, khí hậu khắc nhiệt và trồng cây rễ trần nhưng trong 5 năm (từ 1970- 1975), Lâm trường đã trồng được 251 ha rừng thông.
Đất nước thống nhất, bước vào giai đoạn thực hiện hai kế hoạch 5 năm (thời kỳ bao cấp 1976 - 1986), tổ chức của Lâm trường từng bước đi vào ổn định với 270 công nhân viên thì người Mông chiếm 75%, cơ cấu gồm: Ban Giám đốc, 3 phòng chuyên môn, 3 đội sản xuất và Chi bộ Đảng có 20 đảng viên sinh hoạt tại 3 tổ Đảng.
Thời kỳ này, tập quán đốt nương, làm rẫy của người dân diễn ra phổ biến làm cho công tác bảo vệ, phát triển rừng gặp nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí có người đã hy sinh (bà Phạm Thị Tiến hy sinh khi chữa cháy rừng năm 1980). Mặc dù vậy, Lâm trường vẫn tổ chức trồng được 1.766 ha rừng, tăng gia ổn định đời sống công nhân viên gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Giai đoạn 1987 - 1992, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, giai đoạn đầu chưa có các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, với nòng cốt là công nhân lao động mà chủ yếu là người địa phương, lâm trường đã tổ chức trồng 1.492 ha rừng theo kế hoạch Nhà nước giao và tăng gia sản xuất, ổn định đời sống cán bộ, công nhân.
Ngày 10/12/1992, Lâm trường Púng Luông được thành lập lại tại Quyết định số 201/QĐ/UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và được giao quản lý là 15.118 ha rừng, đất lâm nghiệp. Giai đoạn 1993 - 1998, thực hiện Chương trình 327, Lâm trường Púng Luông chuyển đổi sang mô hình xã hội hóa lâm nghiệp, lấy nhân dân là chủ thể thực hiện đã trở thành phong trào sôi nổi, toàn dân hăng hái tham gia trồng được 3.356 ha rừng trong 6 năm, tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước đó và thực hiện khoanh nuôi tái sinh 1.000 ha, bảo vệ 140.652 ha rừng/năm đem lại nguồn thu 20 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước chi cho trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Giai đoạn 1999 - 2010, thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đây là thời kỳ đổi mới và phát triển mạnh mẽ của Lâm trường theo cơ chế thị trường và mô hình tổ chức quản lý. Bộ máy được thu gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động với nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật, dịch vụ vật tư, cây giống cho nhân dân bảo vệ và phát triển rừng.
Qua thực hiện dự án, toàn huyện trồng mới được 10.800 ha rừng các loại, khoanh nuôi tái sinh 25.400 ha, bảo vệ hơn 422 ha rừng/năm, trồng 50 ha chè Shan, tạo thu nhập từ ngân sách 30 tỷ đồng cho nhân dân; sản xuất, tiêu thụ 12.333 m3 gỗ, 696 tấn nhựa thông, 43 tấn chè búp khô. Đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho 20 ngàn lao động/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho 5.000 hộ/năm; nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn lên 37,7% vào năm 2010, tăng 18,1% so với năm 1998.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 11/12/2006, Lâm trường Púng Luông được chuyển đổi thành Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải tại Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 11/12/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh với tổng số 38 cán bộ, công nhân viên, được giao quản lý 55.567 ha rừng và đất lâm nghiệp.
Cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải hướng dẫn đồng bào Mông cách trồng và chăm sóc cây sơn tra. (Ảnh: Quang Tuấn)
Từ 2011 đến nay, thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tổ chức trồng 5.000 ha rừng, bảo vệ 475.000 ha rừng/năm; sản xuất, tiêu thụ 4.700 m3 gỗ, 1.630 tấn nhựa thông, 15 tấn chè búp khô, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho 10.000 hộ gia đình trên địa bàn.
Thực hiện việc sáp nhập Lâm trường Văn Chấn theo Quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 31/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải có 60 viên chức và người lao động, phân bố ở hai huyện: Văn Chấn và Mù Cang Chải, được giao quản lý 63.220 ha rừng, đất lâm nghiệp.
Sau nửa thế kỷ nỗ lực xây dựng và phát triển, qua nhiều giai đoạn lịch sử, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước; Lâm trường Púng Luông trước đây và nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong bảo vệ, phát triển rừng; đã tạo nên vùng rừng trồng thông trên 15.000 ha, vùng sơn tra trên 4.000 ha, vùng thảo quả trên 2.000 ha, tạo nguồn thu từ rừng cho nhân dân bình quân từ 200 - 300 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế, an ninh - quốc phòng ở vùng cao.
Ghi nhận sự nỗ lực cống hiến của đơn vị, Chủ tịch nước đã 3 lần trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cấp, các ngành đã tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho các tập thể và các cá nhân xuất sắc.
Phát huy những thành quả đã đạt được, bằng những giải pháp cụ thể, trong thời gian tới, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý rừng bền vững có sự tham gia của người dân đối với 63.220 ha rừng, đất lâm nghiệp được giao; duy trì và phát triển tốt đối với 53.097,86 ha rừng đang cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Đồng thời, phát triển rừng đối với diện tích đất lâm nghiệp còn lại bằng các biện pháp lâm sinh phù hợp, nhằm góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn lên 67,5% vào năm 2025 và phát huy giá trị của rừng trên cả 3 phương diện: kinh tế - xã hội và môi trường...
Nhiệm vụ đặt ra luôn hướng tới một mục tiêu chung là tạo dựng, bảo vệ và gìn giữ cho những cánh rừng vươn xanh khắp các triền đồi, ngọn núi, đem đến cuộc sống hạnh phúc, ấm no bền vững cho nhân dân vùng cao Mù Cang Chải.
Nguyễn Tư Khoa - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải