Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch thực hiện theo Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương. Công tác thẩm định và cấp phép, căn cứ hồ sơ, bản vẽ thiết kế đã được Sở Công thương, cơ quan phòng cháy chữa cháy thẩm định và các hồ sơ khác, UBND huyện xem xét và cấp phép xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh xăng dầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường...
Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, căn cứ kế hoạch kiểm tra của các đoàn liên ngành, tổ công tác, UBND huyện cử cán bộ phối hợp cung cấp số liệu và tham gia. Trong lĩnh vực kinh doanh gas, công tác thẩm định, cấp phép tuân thủ trình tự, cấp phép kinh doanh theo Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh khí. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, thực hiện 1 kế hoạch của đoàn liên ngành và 6 kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra các cửa hàng bán lẻ LPG chai đã kịp thời phát hiện, phòng ngừa việc kinh doanh LPG chai không bảo đảm an toàn và yêu cầu các hộ hoàn thiện thủ tục hồ sơ theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Yên không có cơ sở chiết nạp, dự trữ xăng dầu và có 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh gas phát triển khá nhanh chóng, góp phần hình thành một mạng lưới cơ bản bao trùm các xã, thị trấn và đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Tính đến ngày 20/03/2020, Văn Yên không có đơn vị chiết nạp gas và có 110 cửa hàng, hộ kinh doanh gas đang hoạt động. Đánh giá chung là các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas trên địa bàn huyện đã chấp hành tương đối tốt các quy định về kinh doanh khí; về tiêu chuẩn, đo lường trong sản xuất và kinh doanh LPG; các quy định về cán bộ quản lý và nhân viên bán hàng; trách nhiệm của tổ chức sản xuất sang chiết LPG, của cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng, gas; các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, niêm yết giá bán...
Các cơ sở đã tự hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, LPG chai (đối với cơ sở kinh doanh); giấy chứng nhận đã qua đào tạo nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và huấn luyện kỹ thuật an toàn theo quy định hiện hành đối với cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh do các cơ quan chức năng cấp; hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu còn hiệu lực...
Thực tế khi các cửa hàng kinh doanh gas phát triển quá nhanh đã tạo sức ép cạnh tranh gay gắt, dẫn đến người kinh doanh có nhiều hình thức cạnh tranh về giá, về chất lượng sản phẩm, cá biệt có những cửa hàng sản lượng kinh doanh rất thấp nhưng vẫn hoạt động cầm chừng. Từ đó có nguy cơ nảy sinh các vi phạm pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh khiến thị trường gas tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây mất an toàn cho người tiêu dùng và cộng đồng.
Ngoài ra, kho chứa gas của một số hộ kinh doanh còn nằm trong khu dân cư và chưa có kho riêng nên chưa bảo đảm an toàn. Lực lượng quản lý thị trường và cán bộ quản lý còn mỏng trong khi địa bàn rộng nên công tác quản lý còn có nhiều khó khăn.
Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều do cấp tỉnh quản lý về hoạt động kinh doanh, các điều kiện bảo đảm phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... nên công tác quản lý Nhà nước ở cấp huyện đối với các cơ sở này còn có khó khăn trong quá trình lấy thông tin, số liệu hoặc chấp hành chế độ báo cáo khi có yêu cầu. Quy chế phối hợp đối với việc quản lý các cửa hàng xăng dầu mới đây được Sở Công thương Yên Bái ban hành sẽ giúp công tác quản lý, điều hành của UBND huyện hiệu quả hơn.
Nguyễn Thơm