Thời gian qua, dịch Covid - 19 tác động sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội; trong đó, có sản xuất công nghiệp (SXCN).
Trong bối cảnh đó, nhiều giải pháp hỗ trợ đảm bảo ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) được UBND tỉnh cũng như các ngành, địa phương triển khai đồng bộ, nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển công nghiệp năm 2020.
Trong các tháng 4 và 5 năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp SXCN trên địa bàn phải đối mặt như thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ…
Kết quả khảo sát, đánh giá tác động của dịch COVID - 19 đến SXKD của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, có tới 56,57% doanh nghiệp bị thiếu hụt về vốn SXKD; 24,57% thiếu hụt nguồn nhiên liệu trong nước; 33,33% thiếu hụt nguồn nhiên liệu từ nhập khẩu; 47,4% thị trường trong nước bị thu hẹp; 81,82% hàng hóa sản xuất không xuất khẩu được; 46,71% không thực hiện được SXKD; 34,26% không có nguồn thu để bù đắp cho các chi phí phát sinh; 53,98% nguồn thu không đủ để bù đắp cho các chi phí phát sinh; 31,83% không tuyển được hoặc phải cắt giảm lao động.
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: nếu phân theo ngành công nghiệp cấp 2 thì hầu hết các ngành sản xuất chính đều giảm so với cùng kỳ; chỉ có các ngành sản xuất sản phẩm cho ngành xây dựng là có mức tăng cao gồm sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch xây dựng) tăng 17,4%; cấu kiện kim loại tăng 11%, do thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Các ngành sản xuất giảm là khai thác quặng kim loại giảm 51,8%; sản xuất trang phục giảm 5,4%; chế biến gỗ giảm 5,9%; in, sao chép bản ghi giảm 17%; sản xuất thuốc, dược liệu giảm 10%; sản xuất kim loại giảm 13,9%; sản xuất và phân phối điện giảm 7,4%...
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước gồm: quặng chì tăng 8,3%; tinh bột sắn tăng 24,5%; bao bì và túi giấy tăng 48,9%; xi măng tăng 23,1%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác tăng 82,9%; điện thương phẩm tăng 4,7%... Giá trị SXCN (theo giá so sánh năm 2010) 5 tháng đạt 4.272,6 tỷ đồng, tăng 2,67% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần An Tiến Industries tại Khu Công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái đang SXKD 2 sản phẩm chính là bột đá và các sản phẩm hạt nhựa với doanh số năm 2019 khoảng 680 tỷ đồng; trong đó, 70% doanh số đến từ xuất khẩu, 30% từ thị trường nội địa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên thời gian qua việc xuất khẩu của Công ty gặp không ít khó khăn.
Ông Đoàn Minh Đức - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Để vượt qua bão dịch, chúng tôi phải tái cơ cấu hoàn toàn chiến lược kinh doanh và hiện tại tất cả các chiến lược kinh doanh chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu của Công ty sẽ được cập nhật theo tình hình dịch bệnh của từng quốc gia và kịp thời thay đổi chính sách, chiến lược. Công ty cũng có những chính sách quyết liệt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh bằng cách tiết giảm mọi chi phí có thể, tất nhiên là không tiết giảm phần lương của công nhân. Trong quý I, Công ty vẫn vượt 20% kế hoạch đề ra”.
Tại Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Quý I, gạch thành phẩm của Công ty giảm 1,1 triệu viên, doanh thu cũng giảm khoảng 1,1 tỷ đồng, ảnh hưởng của dịch Covid - 19 công nhân phải nghỉ việc, cộng thêm thiệt hại do dông lốc, mưa đá xảy ra cuối tháng 4 đã làm nhà xưởng, lò, kho... cùng hơn 1 triệu viên gạch mộc bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng 3,2 tỷ đồng.
Xốc lại sau dịch, lại đang thời điểm xây dựng nên nhu cầu vật liệu phục vụ tăng cao, Công ty tập trung huy động nguồn lực để khắc phục thiệt hại sớm đưa dây chuyền vào sản xuất để bù đắp vào những thiếu hụt những tháng đầu năm".
Như vậy, chỉ số SXCN 5 tháng đầu năm 2020 tăng 2,4% so với cùng kỳ là mức tăng rất thấp so với mức tăng cùng kỳ các năm trước, chủ yếu do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh nghiệp cạn kiệt, thiếu hụt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài.
Đây là vấn đề dễ nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của nước ta đều là các nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp như: chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác...
Để SXCN phát triển ngoài việc tạo điều kiện lưu thông hàng hoá, giảm chi phí sản xuất, chính quyền các cấp, ngành tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng. Cụ thể là, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường cho các doanh nghiệp; rà soát, bổ sung, cập nhật bảng giá đất trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng vùng, địa phương.
Thực hiện tốt chính sách tiền tệ của trung ương trên địa bàn, nhất là gói hỗ trợ tín dụng ngân hàng của Chính phủ; tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp về vốn nhằm phục hồi SXKD; tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Quang Thiều