Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, Phòng đã tích cực phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tham mưu với cấp ủy, chính quyền hỗ trợ các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chuỗi nông sản. Nhờ đó, đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả như cá hồ Thác Bà, bưởi Đại Minh, cây dược liệu...
Để nâng cao giá trị của bưởi Đại Minh, năm 2019 huyện phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ VN - Green triển khai dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (PTSXLKTCGT) gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi Đại Minh với quy mô 20 ha tại 2 xã Đại Minh, Hán Đà. Với dự án này, huyện chọn 65 hộ phối hợp với Công ty thực hiện quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản theo hướng hữu cơ.
Nhờ đó, chất lượng quả bưởi tăng rõ rệt, không chỉ giảm tỷ lệ múi khô mà lượng đường trong quả, tỷ lệ đậu quả đều tăng cao; tỷ lệ quả chất lượng tốt đạt trên 20% và quả bưởi Đại Minh đã đáp ứng sự mong đợi, tin tưởng của người tiêu dùng; được bán buôn, bán lẻ trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Lào Cai, Vĩnh Phúc... với giá bán cao hơn sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, không dán tem nhãn chứng nhận từ 5.000 - 10.000 đồng/quả.
Xác định PTSXLKTCGT gắn với tiêu thụ sản phẩm là hướng đi mới mang lại năng suất, chất lượng, giá trị cho sản phẩm cũng như thu nhập của nông dân, trên cơ sở các dự án PTSXLKTCGT của tỉnh, Yên Bình đã thẩm định, lựa chọn triển khai thực hiện 5 dự án, với tổng kinh phí được cấp năm 2020 trên 11 tỷ đồng.
Trong đó, Dự án PTSXLKTCGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bưởi Đại Minh được hỗ trợ 834 triệu đồng; Dự án hỗ trợ PTSXLKTCGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ keo được hỗ trợ gần 4 tỷ đồng; Dự án PTSXLKTCGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu (cây khôi nhung) được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng; Dự án phát triển sản xuất gỗ ván dán và viên nén liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ gỗ bạch đàn, bồ đề, phụ phẩm gỗ keo được hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng; Dự án PTSXLKTCGT gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi ở hồ Thác Bà được hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng.
Đây là những sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của huyện; vì vậy, khi triển khai dự án được người dân đồng tình ủng hộ và phối hợp thực hiện. Không chỉ được hỗ trợ kinh phí, khi tham gia các dự án này nông dân còn được các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Để nâng cao giá trị nông sản qua các chuỗi liên kết sản xuất, thời gian tới, Yên Bình tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường; tăng cường hướng dẫn xây dựng mô hình liên kết cụ thể, rõ ràng để nông dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích mang lại; khuyến khích xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt; công nghệ cao để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu đã xây dựng, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị.
Nguyễn Hồng