Xuất khẩu nông lâm thủy sản tận dụng thời cơ sau dịch Covid-19
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản. Các giải pháp được đưa ra không để tình trạng sản phẩm ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới.
Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đẩy mạnh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để khuyến khích tăng đàn, tái đàn lợn. Tổ chức tốt công tác dự báo tình hình khí hậu, điều tiết nguồn nước kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau giãn cách xã hội hoạt động tiêu thụ cá tra có chuyển biến tốt, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm vẫn dương 3%. Dự báo xuất khẩu sản phẩm thủy sản từ nay đến cuối năm sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Những thị trường xung quanh, đối với nhiều sản phẩm vì dịch Covid 19 xảy ra kéo dài và có nguy cơ quay trở lại, sản xuất ở các nước hiện nay cũng bị đình trệ. Đây là một trong những cơ sở để tin tưởng rằng thời gian tới chúng ta sản xuất tốt ở trong nước.
"Lĩnh vực thủy sản cần chủ động nguồn nguyên liệu, các sản phẩm để đáp ứng cho các thị trường và sau khi có các tín hiệu và hoạt động giao thương kết nối trở lại. Lúc đó, chúng ta sẽ đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản đã được chuẩn bị sẵn sàng vào các thị trường để tiêu thụ. Nếu làm tốt kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt mục tiêu hơn 9 tỉ USD trong năm nay” - ông Luân nói.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, đến thời điểm này cả nước đã thu hoạch được khoảng 22,5 triệu tấn lúa. Các trà lúa hè thu cũng đang phát triển rất tốt, dự kiến bình quân năng suất đạt 60 tạ/ha. Cây ăn quả tiếp tục được người dân chăm sóc tốt, do đó năng suất đảm bảo kế hoạch đề ra.
Khu vực trồng trọt phải hoàn thành sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn.
Thúc đẩy tiêu thụ nội địa ứng phó với tình hình xấu của dịch bệnh
Thị trường nông sản trong 6 tháng đầu năm 2020 có nhiều cung bậc khác nhau. Chuẩn bị các kịch bản để đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản, tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng cần có những kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông sản nếu dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, khi ùn ứ nông sản do dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên các tỉnh biên giới phía Bắc để khơi thông các điểm tắc nghẽn tại biên giới Việt - Trung. Do đó, các điểm tắc nghẽn đã được giải quyết.
Nếu diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp bởi xuất hiện các biến chủng. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam vì không có đường bay, nhất là đến các thị trường Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
"Ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu và đàm phán thương mại, chúng ta cần phải kiên trì thúc đẩy tiêu thụ nội địa, bài học kinh nghiệm đã triển khai đối với ngành hàng cá tra trong khi dịch bệnh khó xuất khẩu đã đẩy mạnh tiêu thụ trong nước” - ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp vẫn giữ mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng trên 41 tỷ USD trong năm 2020. Mục tiêu này sẽ gặp những thách thức từ "rủi ro kép” từ dịch bệnh và thiên tai, tuy nhiên cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ để đạt được kết quả.
"Ngành nông nghiệp phải hoàn thành 2 mục tiêu, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, đủ lương thực nhu cầu thực phẩm cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu./.
(Theo VOV)