Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển nông - lâm nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Trạm Tấu gặp nhiều khó khăn do đặc thù huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; dân trí không đồng đều; thường chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ… nên điểm xuất phát trong XDNTM rất thấp.
Dưới ánh sáng của nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Trạm Tấu đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp, sát với thực tế nên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp từ 45,4% năm 2015 giảm còn 39,7%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 ước đạt 337 tỷ đồng, tăng 56,7% so với năm 2015.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là Đảng bộ huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; mở rộng diện tích trồng lúa nước từ một vụ lên 2 vụ; đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao, chất lượng vào sản xuất, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất ngô, lúa hàng hóa ở các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu, Hát Lừu... Sản xuất nông nghiệp của huyện đã tăng mạnh trên cả 3 tiêu chí: diện tích, năng suất và sản lượng. Trong đó, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2020 ước đạt 6.980 ha, tăng 440 ha so với năm 2015.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận thức, tư tưởng của người dân đã không trông chờ ỷ lại, cùng với giúp đỡ của các cấp, ngành, 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM của huyện Trạm Tấu đạt nhiều kết quả toàn diện.
Toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên 7.700 lượt ha; chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ chăn nuôi thả rông sang bán chăn thả có kiểm soát với trên 780 hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 5 con trở lên; thực hiện 128 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, tổ chức 781 lớp tập huấn kỹ thuật; trồng mới 2.430 ha rừng, quản lý bảo vệ 45.781 ha rừng; đồng thời, trồng mới 2.400 ha cây sơn tra, 400 ha chè shan vùng cao; khai hoang 126,5 ha ruộng bậc thang phục vụ sản xuất gắn với tạo cảnh quan phát triển du lịch; triển khai thực hiện có hiệu quả 1 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; 2 sản phẩm chè shan Phình Hồ và khoai sọ nương Trạm Tấu được cấp chứng nhận thương hiệu; từng bước hoàn thành xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm măng ớt Trạm Tấu, gà đen, lợn bản địa, gạo nếp 87…
Phát huy những thành quả đạt được, trong nhiệm kỳ tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp và XDNTM. Trong đó, tập trung đổi mới phương thức sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở phát huy lợi thế các cây trồng, vật nuôi đặc sản của huyện; từng bước sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng, hướng dẫn nhân dân đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thu hút đầu tư hình thành các mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, duy trì, mở rộng vùng ngô hàng hóa, vùng chè Shan tuyết, vùng sản xuất lúa đặc sản gắn với du lịch sinh thái vùng cao.
Đặc biệt, chú trọng quy hoạch phát triển các nông sản đặc trưng, đặc sản của huyện như măng sặt, khoai sọ, măng ớt, đưa quả sơn tra thành sản phẩm hàng hóa và thương hiệu. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng lương thực đạt trên 27.500 tấn; có ít nhất 10 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; hàng năm, trồng trên 500 ha khoai sọ nương; thu hoạch trên 1.000 tấn chè búp tươi; tổng đàn gia súc chính 62.000 con, trồng mới 650 ha rừng và có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, xây dựng 4 thôn đạt chuẩn thôn NTM...
Văn Tuấn