Mặc dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Hàn Quốc nhưng việc tăng nhanh trong thời gian ngắn cũng là nguyên nhân khiến gỗ dán Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại.
Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu của ngành gỗ dán trong nước đạt gần 800 triệu USD năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam tăng 19% so với năm trước đó.
Xuất khẩu gỗ dán 5 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng trên 286 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, bắt đầu giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ dán Việt Nam lại đối diện với thách thức của 2 đơn kiện gian lận thương mại từ các thị trường xuất khẩu lớn.
Bị kiện vì "phù phép" nguyên liệu
Ngày 9/6 vừa qua, phía Hoa Kỳ đã chính thức điều tra ngành gỗ dán Việt Nam. Theo cáo buộc của Liên minh Thương mại công bằng về gỗ dán cứng Hoa Kỳ, một số công ty xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu là công ty có vốn sở hữu từ Trung Quốc, đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ.
Đó là hành vi "phù phép" nguyên liệu gỗ dán nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau giai đoạn gia công, sơ chế, lắp ghép tại Việt Nam được dán nhãn là sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam khi chưa đáp ứng được điều kiện xuất xứ và nhãn mác của Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ điều tra trong 300 ngày và trong thời gian này, Chính phủ Hoa Kỳ có thể đưa ra các mức thuế tạm thời áp dụng đối với mặt hàng dỗ dán từ Việt Nam.
Trường hợp kết luận điều tra tương đồng với cáo buộc ban đầu thì các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ gánh chịu hậu quả rất lớn về mức áp thuế.
Trước đó, ngày 3/12/2019, phía Hàn Quốc cũng đã ra quyết định điều tra đối với hàng gỗ dán Việt Nam vì hành vi chống bán phá giá. Ngày 24/4 vừa qua, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc đã công bố kết quả điều tra sơ bộ và áp dụng mức thuế tạm thời với tất cả sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc sẽ ở mức 9,18-10,56%.
Hai vụ khởi kiện gian lận thương mại từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc là sự cảnh báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán Việt Nam. Những tín hiệu cảnh báo này đòi hỏi các cơ quan quản lý và ngành gỗ cần có những phương thức giảm rủi ro, đưa ngành sản xuất gỗ dán và các ngành sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào phát triển bền vững.
Một số cảnh báo rủi ro
Các chuyên gia ngành gỗ vừa đưa ra một số cảnh báo rủi ro đối với ngành gỗ dán sau đại dịch Covid-19. Đầu tiên là rủi ro nội tại từ nguồn cung nguyên liệu: Các quy định thuế giá trị giá tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp nguyên liệu đầu vào cho đơn vị sản xuất gỗ dán là khác nhau. Đa phần nguồn đầu vào phục vụ cho sản xuất gỗ dán được cung cấp từ các hộ gia đình, không có đủ năng lực để có thể thực hiện đúng các quy định.
Tiếp đến là rủi ro do sự mở rộng và đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc, khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các vụ kiện chống lấn tránh thuế và chống bán phá giá.
Cùng với đó là rủi ro trong khâu sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào cho các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng tủ bếp.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Vifores, nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ dán xuất khẩu, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế mà Mỹ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc.
Do đó, Vifores khuyến cáo các doanh nghiệp cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc nhập khẩu và sản xuất gỗ dán trong nước, góp phần cung cấp thông tin đầy đủ cho chuỗi cung ứng nội địa.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa, sự chuyển dịch đầu tư… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được các rủi ro trong thời gian tới.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Theo các chuyên gia, sự mở rộng và đầu tư mới của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ trong nước đã góp phần đẩy gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong những năm qua.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặt hàng gỗ dán rất có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu. Dịch Covid-19 đang dịch chuyển nguồn cung tạo cơ hội cho xuất khẩu sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam vì đây là một trong những nguyên liệu quan trọng của ngành gỗ.
Tổng Thư kí Vifores Ngô Sỹ Hoài thông tin, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam tiếp nhận thêm 35 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới trong ngành gỗ với số vốn đăng kí là 173,37 triệu USD, trong đó gỗ dán có 2 dự án với số vốn 14 triệu USD.
Như vậy, tính đến nay Việt Nam tiếp nhận 53 dự án FDI đầu tư vào mặt hàng gỗ dán, với tổng vốn đầu tư 276,45 triệu USD. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2015 cho tới nay số dự án FDI mới vào Việt Nam với mặt hàng gỗ dán tăng mạnh, 42 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư hơn 243 triệu USD.
Song, các chuyên gia ngành gỗ lưu ý rằng, chỉ cần một vài doanh nghiệp làm ăn bất chính, vì cái lợi trước mắt có thể khiến cả ngành hàng chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam phải trả giá đắt và không tận dụng được cơ hội tăng trưởng từ thị trường nhiều dư địa phát triển.
(Theo VOV)