Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai ở huyện Mù Cang Chải với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng kinh tế - xã hội vùng cao.
Chương trình 30a hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo cùng các chính sách, dự án, chương trình GNBV đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện như: chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội… đã tạo nên kỳ tích trong giảm nghèo ở Mù Cang Chải. Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của huyện đạt trên 8%, vượt so với mục tiêu chung đối với các huyện nghèo 4%.
Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 66,79%, giảm 8,34% so với năm 2015; năm 2017 giảm 7,52% so với năm 2016; năm 2019 giảm 11,04% so với năm 2018 và kế hoạch năm 2020 giảm 7,5% so với năm 2019.
Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình được thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả và huyện đã đạt mục tiêu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, vượt so với mục tiêu; vượt mục tiêu 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đạt mục tiêu 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đảm bảo nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; vượt mục tiêu, đạt 95,3% tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; vượt so với mục tiêu các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 75 - 80% nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng hàng năm đạt 94%; đạt tỷ lệ 95% các hộ thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, kinh nghiệm sản xuất…
Trên thực tế, nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách GNBV đã mở ra cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tăng diện tích canh tác lúa 2 vụ; góp phần phát triển giao thông; cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng giáo dục, nhất là đầu tư cơ sở vật chất khai thác thế mạnh du lịch địa phương.
Theo đó, nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng, về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… ngày càng được nâng cao.
Nậm Có - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, từ sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cùng nguồn lực các chương trình, dự án GNBV dần hình thành những vùng cây kinh tế đặc sản, với sự phát triển đang mạnh lên của kinh tế hàng hóa.
Trưởng bản Tu San - Chang A Phềnh cho biết: "Thôn Tu San trước đây có nhiều hộ thiếu đói quanh năm nhưng bây giờ hộ đủ ăn đủ mặc nhiều rồi, chỉ còn vài hộ thiếu ăn đứt bữa. Nguồn thu nhập chính của bà con ngoài cây thảo quả còn có nguồn thu đáng kể từ trồng đặc sản nếp Tan và nguồn phí trông coi bảo vệ rừng được Nhà nước chi trả hàng năm.
Bản có trên 200 hộ, 100% là đồng bào Mông, diện tích thảo quả ổn định khoảng trên 100 ha, sản lượng mỗi vụ trung bình khoảng 20 tấn quả khô, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng. Hiện, ở Tu San đã có nhiều hộ thu gần 100 triệu đồng từ trồng nếp Tan mỗi vụ như hộ anh Thào A Mua, Thào A Phềnh hay hộ Trưởng bản Chang A Phềnh…
Mù Cang Chải đã có những hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, xin không nhận gạo cứu trợ hàng năm của Nhà nước... Đó là thành công lớn trong chuyển biến nhận thức, ý thức thoát nghèo của nhân dân. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đặt mục tiêu giảm số hộ nghèo bình quân hàng năm đạt 7% trở lên; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Minh Thúy