Ngay khi Nghị quyết ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các nội dung, mục tiêu của Nghị quyết với mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM)...
Sau 5 năm triển khai, huyện đã làm tốt quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của huyện như vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha, vùng trồng dâu tằm 900 ha, vùng quế trên 16.000 ha, vùng cây ăn quả có múi 762 ha…
Chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, phát triển được các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, liên kết trong sản xuất nông nghiệp…, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm.
Tất cả các nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 đều vượt so với mục tiêu đề ra, góp phần hoàn thành vượt mức giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020, ước đạt 1.350 tỷ đồng. Quan trọng hơn cả. qua đó đã tạo sự chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, hiệu quả các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ; xây dựng được mối liên kết bền vững "4 nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Các bước triển khai thực hiện khá thận trọng, bám sát điều kiện thực tế, nội dung quy hoạch sản xuất trong chương trình XDNTM. Các xã rà soát, xác định và lựa chọn cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, khả năng sản xuất của nông dân để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.
Cùng đó, các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, nhất là nguồn vốn đầu tư hay cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất; định hướng mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện 6 chương trình gồm: phát triển trồng tre Bát độ lấy măng; trồng thay thế diện tích chè già cỗi; phát triển trồng dâu nuôi tằm; phát triển trồng cây ăn quả có múi; phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô tập trung; phát triển vùng sản xuất quế.
Bằng những việc làm cụ thể, đến nay, Trấn Yên xây dựng, phát triển vùng tre măng Bát độ lớn nhất, hiệu quả nhất tỉnh và đang trở thành cây kinh tế chủ lực ở các xã vùng cao: Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh. Sản lượng khai thác măng vỏ tươi năm 2019 ước đạt trên 65.000 tấn; năm 2020, dự ước không thể dưới 70.000 tấn, giá trị đạt trên 100 tỷ đồng, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác tre măng Bát độ kinh doanh đạt 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm măng Bát độ có thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản.
Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ cho nông dân thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tạo thành chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ, tính bền vững cao và có hiệu quả.
Hay như việc trồng thay thế chè già cỗi và phát triển sản phẩm chè chất lượng cao, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển trồng và chế biến chè chất lượng cao theo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bảo Hưng, Hưng Khánh, Nga Quán diện tích trên 100 ha. Sản phẩm chè Bát tiên của HTX Sản xuất chè xanh chất lượng cao xã Bảo Hưng là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, cho giá trị thu nhập đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Đề án phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên, từ mấy héc - ta dâu ban đầu, nay đã quy hoạch và phát triển khắp các xã: Việt Thành, Báp Đáp, Tân Đồng, Đào Thịnh, Y Can đến Quy Mông, Hòa Cuông, Hồng Ca... Diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả đều được nông dân chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm.
Đến nay, huyện có 760 ha dâu và dự kiến hết năm 2020 là 900 ha, bằng 300% mục tiêu Nghị quyết; sản lượng kén tằm năm 2020 đạt trên 1.000 tấn, giá trị thu về đạt trên 100 tỷ đồng. Các hộ trồng dâu nuôi tằm liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các HTX và doanh nghiệp.
Hiện, toàn huyện có 10 HTX và 80 THT được thành lập và hoạt động liên kết sản xuất trong nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm với trên 800 thành viên tham gia. 5 năm qua, huyện cũng đã hình thành, phát triển vùng cây ăn quả có múi trên 762 ha (bưởi 390 ha, cam 290 ha, quýt 14,5 ha, chanh 67,5 ha) tập trung chủ yếu tại các xã: Hưng Thịnh, Hồng Ca, Hưng Khánh, Quy Mông, Việt Thành. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2016 - 2020 đã trồng mới 553 ha, bằng 184,3% so với mục tiêu Nghị quyết. Đây là vùng cây ăn quả chuyên canh, quy mô lớn, năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/ năm…
Thực tế cho thấy, Nghị quyết chuyên đề về chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 của Trấn Yên được vận dụng cụ thể vào cuộc sống đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét. Đồng thời, là nền tảng để huyện phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các sản phẩm chủ lực gắn với các chuỗi sản xuất liên kết giá trị là hướng đi và cách làm phù hợp với xu thế hiện nay.
Thanh Phúc