Là đơn vị chuyên thi công công trình và sản xuất vật liệu xây dựng với lao động gần 200 người, hoạt động trên địa bàn tỉnh và các huyện lân cận của tỉnh bạn, trong thời điểm dịch Covid - 19 bùng phát, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội, Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm hơn, các chi phí phát sinh ngoài dự kiến tăng cao, doanh thu tháng 5 giảm 50%, tháng 6 giảm 30%, các tháng tiếp theo vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã cử cán bộ đến Công ty đánh giá mức độ ảnh hưởng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và ưu đãi lãi suất đối với những khoản giải ngân mới kể từ ngày 1/4/2020.
Ông Nguyễn Hà Nam - Giám đốc Công ty cho biết: Ban Giám đốc đã đánh giá cụ thể tình hình, từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đủ nguồn trả nợ Ngân hàng và ổn định đời sống cho người lao động. Chúng tôi cũng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh có biện pháp giúp đỡ hỗ trợ các gói vay giúp Công ty vượt qua khó khăn”.
Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hảo tại xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên là đơn vị sản xuất và xuất khẩu chè sang các thị trường: Đài Loan, Đông Nam Á, Trung Đông, Nga. Do dịch bệnh Covid-19 nên doanh thu tháng 5, tháng 6 của Công ty giảm 30%, các tháng tiếp theo vẫn khó khăn do một số thị trường chưa mở cửa trở lại....
Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp, gói hỗ trợ; phối hợp với các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ…
Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất. Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 0,2 - 0,5%/năm, giảm nhiều loại phí trong giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng; giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ cũ phát sinh trước ngày 23/1/2020 từ 0,2 - 2,5%/năm; hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Tính đến ngày 30/4/2020, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 26.908 tỷ đồng, tăng 0,33% so với năm 2019; tổng dư nợ cho vay 23.211 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu đến hết ngày 20/4/2020, chiếm 0,45% tổng dư nợ, trong đó dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến 30/4/2020 là 3.452 tỷ đồng, chiếm 14,87% tổng dư nợ.
Với những giải pháp được triển khai kịp thời, tính đến hết ngày 30/4/2020, các chi nhánh ngân hàng đã tháo gỡ khó khăn cho 8.349 khách hàng.
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngân hàng đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng triển khai các giải pháp về tín dụng để hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19. Cùng đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ để các ngân hàng thống nhất giải pháp thực hiện hỗ trợ các đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh”.
Để ổn định sản xuất, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững trở lại, hệ thống các ngân hàng cần nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dịch vụ, du lịch; mở rộng thêm một số đối tượng đặc thù có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương; tạo nhiều khoản vay hơn nữa cho khách hàng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay; chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ổn định sản xuất.
Thanh Tân