Được thành lập và đi vào hoạt động năm 2008, Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (HTX Công Tâm), xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên gặp không ít khó khăn: ít thành viên, vốn lưu động hạn chế, ngành nghề đăng ký kinh doanh thì nhiều nhưng không xác định được hướng phát triển trọng tâm.
Cùng với đó, giá cả thị trường, nguyên vật liệu đầu vào luôn biến động; kinh nghiệm thương trường chưa nhiều với một giám đốc trẻ gần 30 tuổi đời…
Giám đốc HTX Trần Văn Kiên chia sẻ: "Từ việc đóng chân trên địa bàn là thủ phủ của cây quế, chúng tôi đã phát huy triệt để lợi thế sẵn có của địa phương là sản xuất chế biến tinh dầu quế cùng với việc tạo dựng được chuỗi liên kết khép kín giữa người trồng quế - HTX - doanh nghiệp - thị trường, đã tạo nên thành công ngày hôm nay của HTX”.
Năm 2015, sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, HTX Công Tâm thực hiện chuyển đổi theo Luật. Từ đó, HTX Công Tâm xác định được phương thức hoạt động phù hợp theo hướng liên doanh liên kết, gắn sản xuất thương mại dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Cụ thể, HTX liên kết với HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên và Công ty An Thịnh Cường Phát, huyện Văn Yên phát triển chuỗi sản phẩm quế để tạo ra vòng tròn khép kín. HTX Công Tâm tham gia chuỗi giá trị với vai trò là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị liên kết với sản lượng bình quân mỗi tháng đạt 13 - 15 tấn tinh dầu. Để bảo đảm sản xuất đủ sản lượng tinh dầu, HTX cần khoảng 2.400 tấn quế nguyên liệu/năm. Do đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân ở 2 xã Hoàng Thắng và Viễn Sơn.
Cùng với đó, HTX xây dựng nhà kho chứa nguyên liệu đủ điều kiện bảo đảm nguồn nguyên liệu được sản xuất quanh năm mà không bị giảm tỷ lệ tinh dầu. Từ thành công bước đầu, HTX mạnh dạn huy động vốn đầu tư đổi mới công nghệ một khu nhà xưởng hiện đại trên 1.000m2, lắp đặt mới 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng, hệ thống nhà kho chứa nguyên vật liệu 2.500m2 trị giá trên 5 tỷ đồng, mua mới 2 máy xúc lật và 1 ô tô tải. Để tận thu nguồn nguyên liệu bã quế sau khi đã chưng cất tinh dầu, HTX đưa vào sản xuất phân hữu cơ xuất sang Nhật Bản.
Anh Trần Văn Kiên - Giám đốc HTX phấn khởi cho biết: "Nhờ liên doanh, liên kết mà HTX đã tận dụng được 100% số cành và lá quế trước đây là nguyên liệu thứ phẩm bán với giá rất rẻ làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu, khai thác triệt để và nâng giá trị cây quế lên 2-3 lần. Không chỉ vậy, liên kết còn giúp các doanh nghiệp, HTX giảm chi phí đầu tư, chủ động được nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu nhập của người trồng quế tăng cao, giảm ô nhiễm môi trường”.
Sau 12 năm hoạt động, hiện tại HTX Công Tâm đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang với các trang thiết bị dây chuyền, máy móc phục vụ sản xuất hiện đại như: dây chuyền sản xuất tinh dầu quế, nghiền bã quế, băng tải, máy gắp nguyên liệu, trạm cân 80 tấn; các hệ thống phụ trợ như: hệ thống cứu hỏa, đường điện, đường nước, hệ thống nước thải... được xây dựng khép kín đủ tiêu chuẩn. Nhờ đó, sản phẩm sản xuất ra bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Với nỗ lực của Hội đồng quản trị và các thành viên, vốn điều lệ của HTX tăng từ 1 tỷ đồng lên hơn 6 tỷ đồng, vốn hoạt động tăng trên 8 tỷ đồng, doanh thu tăng lên gần 10 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách trên 200 triệu đồng/năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những kết quả đạt được, trong những năm qua HTX Công Tâm liên tục được Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Văn Yên tặng bằng khen, giấy khen. HTX được đánh giá là một trong những HTX điển hình tiên tiến của phong trào phát triển HTX trên địa bàn toàn tỉnh. Là HTX đi đầu trong việc liên doanh, liên kết tạo nên chuỗi giá trị trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương ngày càng giàu, mạnh.
Hồng Duyên