Tham gia FFF, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại trên địa bàn.
Chương trình FFF được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Yên Bái đầu năm 2015, kết thúc giai đoạn 1 năm 2017. Qua đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 2 hợp tác xã (HTX), 22 tổ hợp tác (THT), 31 nhóm hộ trồng rừng với trên 1.000 thành viên tham gia.
Thực hiện Chương trình, các hội viên nông dân (HVND) xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên được tham quan mô hình trồng quế hữu cơ tại Lào Cai, tại Công ty Quế hồi Việt Nam (Hà Nội), được tập huấn sản xuất quế hữu cơ, thử nghiệm, trồng chăm sóc 1,5 ha quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh, Trấn Yên. Qua đó, các THT liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam thành lập HTX Quế hồi Việt Nam xây dựng vùng sản xuất, nhà xưởng, điểm thu mua quế hữu cơ trên địa bàn xã Đào Thịnh.
Tháng 12/2017, sản phẩm quế của HTX với diện tích 500 ha đã đạt chứng chỉ sản phẩm quế hữu cơ, xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật...
Song song đó, năm 2016, sau chuyến tham quan rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển rừng bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích xã hội do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp (FSC) tại Quảng Trị do Chương trình tổ chức, các cấp Hội cũng đã kết nối với Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát liên kết 31 nhóm hộ, 494 hộ nông dân tại 5 xã: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Đại Đồng, Tân Hương và thị trấn Yên Bình xây dựng vùng sản xuất gỗ rừng trồng bền vững, đánh giá và cấp chứng chỉ FSC cho trên 1.737 ha. Hiện nay, Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát đã xây dựng chuỗi giá trị, mở rộng vùng sản xuất diện tích rừng FSC lên 4.000 ha trên địa bàn 2 huyện Yên Bình và Lục Yên.
Trên cơ sở kết quả của Chương trình FFF giai đoạn I, FAO tiếp tục tài trợ Chương trình FFF giai đoạn II (2019-2022) tại Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực cho các hội viên nông dân làm rừng và trang trại tại Việt Nam, các hộ gia đình, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc phát triển rừng và trang trại bền vững, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị bàn tròn nhằm tháo gỡ khó khăn cho hội viên nông dân sản xuất rừng và trang trại.
Tại Hội thảo, đại diện FFF Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị, vận động chính sách tại địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan giúp xây dựng các THT, HTX; đồng thời định hướng, gợi mở để người sản xuất rừng và trang trại xây dựng được các mô hình, liên kết phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, hội viên nông dân vẫn còn không ít khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm từ rừng...
Ông Hoàng Thăng Long - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình chia sẻ: "HTX Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên thành lập năm 2015 với 31 thành viên. Sản phẩm chủ yếu của HTX là ván thanh. Song, thị trường tiêu thụ của HTX không ổn định, việc vận chuyển sản phẩm gỗ rừng trồng còn nhiều khó khăn, mong muốn được từng bước tháo gỡ để các thành viên HTX yên tâm sản xuất”.
Với các hộ phát triển các mô hình như: lá khôi, mật ong, người dân mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật, được đăng kí nhãn hiệu để có đầu ra cho sản phẩm...
Anh Phạm Ngọc Sơn, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên cho biết: "Sản phẩm lá khôi của chúng tôi chỉ bán cho thương lái nên rất bấp bênh, tôi mong muốn được kết nối để sản phẩm có đầu ra ổn định, giúp chúng tôi yên tâm sản xuất...”.
Qua các đề xuất của người dân, các cấp chính quyền, công ty, doanh nghiệp cùng thảo luận đưa ra các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn cho hội viên nông dân như tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, định hướng, gợi mở để người sản xuất rừng và trang trại xây dựng được các mô hình, liên kết phát triển kinh tế bền vững từ rừng...
Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát đã gắn bó với nông dân Yên Bái gần 20 năm qua cũng có cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, sẵn sàng hỗ trợ vốn, giống cây trồng, phân bón để người dân yên tâm mở rộng diện tích rừng, với mục tiêu hết năm 2020 Công ty sẽ mở rộng diện tích rừng FSC tại huyện Lục Yên 3.000 ha, tại huyện Văn Chấn 2.500 ha, tiến tới xây dựng 2 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng với công suất 500.000 m3/năm.
Minh Huyền