Trạm Tấu: Từ chuyện chưa từng có đến phong trào lan tỏa

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/7/2020 | 8:06:08 AM

YênBái - Ở huyện Trạm Tấu, trước đây, việc người dân viết đơn xin thoát nghèo là chuyện chưa từng có thì nay đã trở thành phong trào lan tỏa khắp các xã, thị trấn. Bởi vì, người dân nhận thức rằng, đã đến lúc chính mình phải tự vươn lên thoát nghèo, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và đó mới là cách thoát nghèo bền vững.

Người Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chuyển diện tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô năng suất, chất lượng cao.
Người Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu chuyển diện tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô năng suất, chất lượng cao.

Những ngày đầu mới chuyển từ thôn Háng Thồ về định cư tại thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ, cuộc sống gia đình ông Giàng A Hồ gặp không ít khó khăn, vì khi đó gia đình ông chỉ có 3.000 m2 ruộng sản xuất 1 vụ lúa nên lương thực hàng năm luôn bị thiếu hụt từ 1 đến 2 tháng. 

Sau khi được xã, huyện tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, gia đình ông đã thực hiện tốt chủ trương này. Ông vận động gia đình đưa toàn bộ ruộng hiện có vào sản xuất 2 vụ với các giống lúa năng suất cao nên đã đủ lương thực. 

Đồng thời, khi đó được hỗ trợ 20 triệu đồng từ Đề án phát triển chăn nuôi của tỉnh, ông đầu tư xây chuồng rồi mua trâu, bò về nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc tốt, đàn trâu, bò hiện đã có 22 con. Nhận thấy cuộc sống của mình được khá hơn so với những hộ khác trong thôn, ông Hồ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. 

Ông tâm sự: "Khi cuộc sống của mình được ổn định hơn, mình xin thoát nghèo để dành sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho những nhà còn khó khăn. Với cách làm này, chúng ta sẽ giúp được nhiều hộ đặc biệt khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo”. 

Ông Giàng A Sáy - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ trao đổi: "Khi có các hộ tự nguyện xin thoát nghèo, xã đã có kế hoạch và định hướng giúp những hộ này tiếp tục phát huy để thoát nghèo bền vững bằng việc tạo điều kiện để các hộ được vay vốn mua cây con giống, phân bón thông qua các ngân hàng của huyện; khuyến khích họ tiếp tục vươn lên để nêu gương cho các hộ khác phấn đấu”. 

Ông Sùng Vảng Páo ở thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu cũng là một trong những hộ khó khăn, mặc dù hai vợ chồng ông luôn cố gắng làm ăn nhưng do thiếu kiến thức lại đông con, nên hằng năm phải nhờ đến gạo cứu đói của Nhà nước. Sau nhiều trăn trở, ông thấy không thể để tình trạng này kéo dài mãi nên khi các con đã trưởng thành, ông cho đi tìm kiếm việc làm bên ngoài nên thu nhập gia đình dần dần ổn định. Hiện, ông Páo đã có tiền làm nhà cửa kiên cố, khang trang trị giá trên 300 triệu đồng. 

Ông Páo bộc bạch: "Tuy gia đình tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn vay đầu tư phát triển kinh tế, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Khi các con học xong, có việc làm; từ đó, thu nhập của gia đình ngày một khá hơn. Tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống về phát triển chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò… Năm 2019, tôi quyết tâm xin ra khỏi diện hộ nghèo để tự khẳng định chính mình”. 

Xã Trạm Tấu có 99% là đồng bào Mông và trước đây từng là xã đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Tuy nhiên, sau nhiều năm Đảng bộ, chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ và chuyển diện tích đất sản xuất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Cuộc sống của người dân được nâng lên, hộ nghèo của xã hiện giảm còn 48%, (giảm 11% so với năm 2015). 

Nhờ đó, những lá đơn tự nguyện xin được ra khỏi hộ nghèo của xã ngày càng nhiều. Qua rà soát, năm 2020, xã Trạm Tấu có gần 20 hộ làm đơn xin thoát nghèo, tiêu biểu như thôn Mo Nhang có 10 hộ đăng ký thoát nghèo vào cuối năm nay. 

Là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, với khoảng trên 80% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số nên cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đến với người dân, huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án thoát nghèo cho từng giai đoạn cụ thể; phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, hội, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên tham gia hỗ trợ các hộ vươn lên thoát nghèo. 

Đồng thời, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến với người dân. Từ đó, đã có nhiều hộ tự vươn lên thoát nghèo và đang làm đơn xin thoát nghèo tạo thành phong trào thi đua yêu nước lan tỏa khắp các xã: Trạm Tấu, Pá Lau, Phình Hồ, Làng Nhì, Bản Mù, Xà Hồ, Hát Lừu… 

Riêng 5 tháng đầu năm 2020, toàn huyện đã có 51 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Tinh thần "lá lành đùm lá rách” đã thôi thúc mỗi người dân, mỗi hộ cùng san sẻ, giúp đỡ những hộ còn nghèo và đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo. 

Ông Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Đảng bộ huyện đã huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp ủng hộ ít nhất 1 ngày lương để hỗ trợ các hộ đã xin thoát nghèo. Từ đó, người dân nhận thức được công tác xóa nghèo rất quan trọng, khi mình có đủ cơm gạo thì nhường lại sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho hộ khác còn đang gặp khó khăn”. 

Năm 2020, tổng sản lượng lương thực của toàn huyện đã thực hiện đạt 23.806 tấn/năm, tăng trên 2.800 tấn so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,93 lần so với năm 2015. Phát huy những kết quả đạt được, Trạm Tấu tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, quyết tâm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Sùng A Hồng

Tags Trạm Tấu phong trào tinh thần thoát nghèo

Các tin khác

Các hãng hàng không mở rộng mạng bay nội địa với mức giá từ 49.000 đồng để kích cầu nhu cầu đi lại của người dân.

Lãnh đạo xã Đại Sơn trao đổi với nhân dân về phát triển cây quế.

Ông Lý Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: "Đại Sơn có trên 75% dân số là đồng bào dân tộc Dao đỏ, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, đường... tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân địa phương”.

Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn, kiểm tra vốn vay đầu tư cho chăn nuôi của người dân.

Thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, hàng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Chấn đã thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu đãi mới như: mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức vay, thời gian cho vay…

Đăng kiểm viên đang thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới.

Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai tổ chức hậu kiểm, phúc tra kết quả kiểm định xe cơ giới của một số trung tâm để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục