Yên Bái hiện có 2.235 doanh nghiệp; trong đó, có 1.350 công ty TNHH, 494 công ty cổ phần, 351 doanh nghiệp tư nhân, 27 doanh nghiệp FDI, 10 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (địa phương quản lý), 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (Trung ương quản lý). Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa- số đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp của Yên Bái.
Qua khảo sát, 30% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì có tới 87,05% doanh nghiệp cho rằng, đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động có sự liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ, sẽ chịu tác động nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhiều năm qua, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; trong đó, có hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; thành lập tổ công tác và bộ phận giúp việc tổ công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; triển khai hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tìm kiếm đối tác kinh doanh, kết nối cung cầu, tiếp cận thị trường thế giới...
Đồng thời, tổ chức các chương trình tập huấn nhằm trang bị cho doanh nghiệp, doanh nhân các kiến thức về khởi nghiệp, thuế, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giao tiếp trong kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Năm 2020, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tiếp nhận kiến nghị của các doanh nghiệp thông qua Chương trình Cà phê doanh nhân và gặp mặt doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh theo Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND với kinh phí hỗ trợ khoảng 70 tỷ đồng. Riêng năm 2020, phấn đấu hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh với kinh phí hỗ trợ từ 13 tỷ đồng trở lên.
Như vậy, theo kế hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho 8 doanh nghiệp trở lên với tổng kinh phí trên 1.800 triệu đồng; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho trên 17 doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 1.700 triệu đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho hàng trăm doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ trên 500 triệu đồng; hỗ trợ mở rộng thị trường cho trên 33 doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trên 116 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ trên 4.600 triệu đồng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với tổng kinh phí trên 1.800 triệu đồng.
Cùng đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp và thủy sản với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng; hỗ trợ về thông tin, tư vấn và pháp lý theo quy định của pháp luật và thực hiện một số hỗ trợ khác như hỗ trợ về thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính, tín dụng, hỗ trợ về công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, hỗ trợ về thuế, kế toán...
Thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch này theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quang Thiều