Do sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) nói chung và hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu (XNK) của các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu cũng như hàng tiêu dùng trong nước.
Trước những khó khăn chung của cả nền kinh tế và khó khăn riêng của hoạt động kinh doanh XNK, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu trước mắt và lâu dài để từng bước chuyển hướng khai thác thị trường, giảm bớt mức độ ảnh hưởng do phụ thuộc vào một thị trường XNK.
Theo đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ các doanh nghiệp, HTX hoạt động kinh doanh XNK khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 để duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống đối với những sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Theo Sở Công Thương, dự ước tháng 7/2020 tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 12,370 triệu USD, tăng 2,07% so tháng trước, giảm 19,31% so cùng kỳ năm trước. Dự ước tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 đạt 79,633 triệu USD, đạt 37,92% kế hoạch năm 2020, giảm 17,31% so cùng kỳ năm trước.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng thì mặt hàng rau quả đạt 1,083 triệu USD, giảm 40,76% so cùng kỳ năm trước; chè chế biến đạt 1,126 triệu USD, giảm 33,52% so cùng kỳ năm trước; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,696 triệu USD gấp 2,39 lần so cùng kỳ năm trước.
Quặng và khoáng sản khác đạt 22,096 triệu USD, giảm 28,95% so cùng kỳ năm trước; chất dẻo nguyên liệu đạt 13,323 triệu USD, giảm 19,41% so cùng kỳ năm trước; sản phẩm từ chất dẻo đạt 624.000 USD, gấp 5,22 lần so cùng kỳ năm trước.
Gỗ đạt 3,666 triệu USD, tăng 43,08% so cùng kỳ năm trước; sản phẩm gỗ đạt 2.547 ngàn USD, gấp 2,67 lần so cùng kỳ năm trước; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 4,073 triệu USD giảm 26,91% so cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 27,953 triệu USD, giảm 18,49% so cùng kỳ năm trước; sản phẩm gốm sứ đạt 301.000 USD, gấp 3,22 lần so cùng kỳ năm trước...
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng giảm ở thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Các mặt hàng rau quả, chè, quặng và khoáng sản khác, chất dẻo nguyên liệu, giấy và các sản phẩm từ giấy, hàng dệt, may, hàng hóa khác giảm do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất, khó khăn trong tìm kiếm bạn hàng và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế lớn như: Mỹ và một số nước ở châu Âu...
Bên cạnh đó, các mặt hàng tăng chủ yếu là sắn và các sản phẩm từ sắn, sản phẩm từ chất dẻo, gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm gốm, sứ. Nguyên nhân tăng do các công ty xuất khẩu các mặt hàng trên đã ổn định sản xuất và mở rộng tìm kiếm đối tác xuất khẩu.
Để kim ngạch xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra các doanh nghiệp, HTX cần xây dựng kế hoạch, chiến lược SXKD chuyển hướng khai thác thị trường XNK, phấn đấu từ năm 2020 - 2025 mỗi nhóm sản phẩm xuất khẩu tìm kiếm, mở rộng được từ 1 - 2 thị trường mới. Đối với nhóm sản phẩm nông sản chế biến như: măng Bát độ, chè, quế, tinh bột sắn... ngoài thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản có thể khai thác thị trường một số nước thành viên EU.
Đối với nhóm hàng dệt may, ngoài thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX cần tận dụng lợi thế các cam kết về thuế và các điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa quy định trong Hiệp định EVFTA để tiếp tục mở rộng thị trường đối với một số nước của Liên minh châu Âu; định hướng sử dụng nguyên liệu vải sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Hàn Quốc để được hưởng các ưu đãi của EU.
Đối với nhóm hàng khoáng sản chế biến như đá xẻ, đá bột hiện nay thị trường xuất khẩu đa dạng sang trên 50 quốc gia, song giá trị xuất khẩu chính vẫn phụ thuộc vào thị trường Ấn Độ, Italia. Do vậy, các doanh nghiệp, HTX cần xây dựng kế hoạch cụ thể để khai thác tốt hơn ở các thị trường sẵn có hiện nay.
Đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ, ngoài thị trường xuất khẩu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX cần tận dụng lợi thế các cam kết về thuế và các điều kiện, tiêu chuẩn hàng hóa quy định trong Hiệp định EVFTA để tiếp tục mở rộng thị trường đối với một số nước của Liên minh châu Âu; cần chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào là sản phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với EU để được hưởng ưu đãi.
Đối với nhóm sản phẩm hạt nhựa, hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường có nhu cầu sử dụng lớn, song có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro rất lớn; do vậy, các doanh nghiệp, HTX chuyển hướng xuất khẩu sang các nước châu Á là thị trường được kỳ vọng có mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu sử dụng các sản phẩm hạt nhựa trong tương lai, do tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực này khá cao, cơ cấu kinh tế cũng đang chuyển sang các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sản phẩm nhựa như công nghiệp ôtô và điện - điện tử...
Quang Thiều