Yên Bái: Nghiên cứu phát triển cây mắc ca

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/8/2020 | 2:07:09 PM

YênBái - Với giá trị kinh tế và dinh dưỡng, mắc ca (Macadamia) đang là loại cây trồng thu hút nhiều sự quan tâm và được kỳ vọng là cây thoát nghèo ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Yên Bái. Hiện có khoảng 80 ha mắc ca trồng rải rác tại các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên.

Nông dân tỉnh Đắc Lắc trồng mắc ca. (Ảnh: T.L)
Nông dân tỉnh Đắc Lắc trồng mắc ca. (Ảnh: T.L)

Để phát triển cây mắc ca, các cấp, ngành cần xây dựng các mô hình đánh giá hiệu quả cây mắc ca và điều kiện thực tế của tỉnh để xác định lộ trình và quy mô phát triển cây mắc ca phù hợp, hiệu quả gắn với chế biến và tiêu thụ. 

Mắc ca là cây thân gỗ, khi trưởng thành có chiều cao trên 15 m, có quả hạch với hạt vỏ cứng, ăn có vị thơm, bùi, béo, ngậy, hấp dẫn, có thời gian khai thác kinh tế từ 40 - 60 năm. Đây là loại cây ưa sáng, sinh trưởng và phát triển thích hợp trong điều kiện khí hậu á nhiệt đới.

Quả mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, là nguyên liệu đa dạng trong các ngành chế biến bánh kẹo, thực phẩm, mỹ phẩm cao cấp; là thức ăn phù hợp cho các đối tượng từ người già cho tới trẻ em, tốt cho người ăn kiêng, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… 

Với giá trị kinh tế và dinh dưỡng, mắc ca đang là loại cây trồng thu hút nhiều sự quan tâm và được kỳ vọng là cây thoát nghèo cho nông dân ở nhiều địa phương; trong đó, có tỉnh Yên Bái. Thời gian qua, một số hộ dân đã đưa cây mắc ca vào trồng; trong đó, một số diện tích đã cho thu hoạch, theo đánh giá hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn một số cây trồng khác. 

Anh Phùng Thừa Lý ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên cho biết: "Năm 2013, qua theo dõi trên ti vi, thấy kỹ thuật trồng mắc ca đơn giản nên gia đình đã đưa vào trồng thử 200 cây trên diện tích gần 1 ha. Đến năm thứ 4, cây cho ra quả thu được hơn 1 tạ, năm thứ 5 năng suất gấp đôi, năm thứ 6 thu được gần 1 tấn quả tươi, đập được gần 6 tạ hạt với giá bán 90.000 đồng/kg. Qua trồng mắc ca cho thấy, cây mắc ca phù hợp với đất, khí hậu của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt”. 

Tại tỉnh Yên Bái, hiện có khoảng 80 ha  mắc ca trồng rải rác tại các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên. Việc trồng cây mắc ca chủ yếu do tự phát của người dân. Tuy nhiên, qua theo dõi, đánh giá, cây mắc ca phát triển tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế cao. 

Qua khảo sát, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho thấy, Yên Bái là tỉnh có nhiều tiềm năng và khí hậu thích hợp để trồng cây mắc ca, diện tích có thể trồng mắc ca trên 1.400 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải. 

Hiện tại, Hiệp hội đang nghiên cứu và đề xuất triển khai việc trồng xen cây mắc ca với cây chè tại tỉnh Yên Bái; trong đó, dự kiến trồng thử nghiệm 5 ha cây mắc ca xen với cây chè tại huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, đây là loài cây mới nên cần phải được đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi ra sản xuất, bởi mắc ca dù được mệnh danh là "nữ hoàng” của các loại cây nông nghiệp, nhưng loại cây này đang trong giai đoạn thử nghiệm trên phạm vi cả nước. 

Đặc biệt, việc trồng loại cây này cũng có những đòi hỏi khắt khe về khí hậu, đất đai, giải pháp kỹ thuật (lựa chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch). Bên cạnh đó, vốn đầu tư ban đầu cao, đòi hỏi nhiều nhân công khi thu hoạch sản phẩm. 

Đặc biệt, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một bài toán cần sớm có lời giải, bởi trên thực tế đã có những loại cây trồng như cây cao su, cà phê tại thời điểm triển khai thì rất tốt nhưng đến khi thu hoạch lại không tìm được đầu ra cho sản phẩm hoặc giá bán thấp.

Ông Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Qua nghiên cứu đặc tính sinh thái của cây mắc ca, huyện Mù Cang Chải có điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng thích hợp để phát triển. Qua khảo sát, Mù Cang Chải có khoảng 2.000 ha có thể trồng mắc ca tập trung ở các xã: Nậm Có, Lao Chải, Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới, đề nghị Hiệp hội Mắc ca xây dựng mô hình từ 5 -10 ha ở mỗi một điểm để có sự đánh giá về sự phù hợp sau đó chọn lựa đưa vào.

Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp ngay từ đầu trong việc trồng chăm sóc tiêu thụ của người dân. Sau khi có chủ trương, đề nghị tỉnh quy hoạch vùng trồng và đưa cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, vì đây xác định là cây đa mục đích phòng hộ, môi trường giá trị kinh tế...”. 

Để có cơ sở phát triển cây mắc ca trên địa bàn, mới đây UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. 

Qua các ý kiến phân tích tiềm năng, lợi thế, đất đai, chủ trương trồng, phát triển, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đối với cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh thống nhất với Hiệp hội việc nghiên cứu trồng thử nghiệm hướng đến việc mở rộng diện tích trồng mắc ca trên cơ sở nghiên cứu các mô hình hiệu quả ở những địa phương lân cận hay vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự. Trước mắt, sẽ tiến hành trồng thử nghiệm với quy mô từ 10 - 15 ha, theo hướng trồng thuần, trồng xen và nhiều loại giống khác nhau. Đặc biệt, dù là thử nghiệm thì việc trồng và phát triển cây mắc ca phải gắn với chuỗi giá trị, theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Văn Thông

Tags Yên Bái phát triển cây mắc ca

Các tin khác
Lực lượng cảnh sát kinh tế kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất tại doanh nghiệp.

Ngày 10/8/1956, để bảo vệ tài sản của Nhà nước và trước yêu cầu công tác của lực lượng Công an nhân dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức của ngành cảnh sát nhân dân, trong đó ghi rõ: Cảnh sát kinh tế (CSKT) phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng CSKT

Khách hàng giao dịch vàng miếng.

Giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp giảm mạnh phiên sáng 10/8, với mức điều chỉnh cao nhất gần 700.000 đồng mỗi lượng.

Anh Nguyễn Văn Nghị, thôn Văn Hưng kiểm tra sinh trưởng của ba ba thương phẩm.

Xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn là địa phương có điều kiện nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là phát triển mô hình nuôi ba ba. Phát huy lợi thế đó, nhiều hộ trong xã đầu tư phát triển mô hình này và mở rộng diện tích ao nuôi.

Thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) năm 2020, huyện Trấn Yên được phê duyệt đầu tư cứng hóa gần 50 km đường, từ các nguồn vốn Đề án cứng hóa đường GTNT, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã, với 10 xã được hưởng lợi, tổng nguồn vốn trên 75 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục